Củng cố niềm tin đối với người gửi tiền

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 86 - 89)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT

3.3.7.Củng cố niềm tin đối với người gửi tiền

Niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu vì một lý do nào đó mà người gửi tiền ồ ạt kéo đến rút tiền thì dù ngân hàng đó có tiềm lực tài chính vững mạnh đến đâu cũng khó lòng chống đỡ được sự đổ vỡ, nếu như không có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như các tổ chức tín dụng khác.

Do vậy, việc duy trì và củng cố niềm tin đối với người gửi tiền là điều mà các ngân hàng luôn phải quan tâm, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Niềm tin của người gửi tiền được hình thành và củng cố dựa trên cơ sở

xây dựng hệ thống khung pháp luật có hiệu lực, hiệu quả; việc triển khai các kế hoạch cho việc phát triển các hoạt động kinh doanh; việc xây dựng cấu trúc hành chính kỹ thuật, nâng cao khả năng giám sát, kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người gửi tiền.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian vừa qua cho thấy: ngoài việc bộ tài chính, Ngân hàng Trung ương các nước phải “bơm” một khoản tiền lớn để cứu các ngân hàng, tập đoàn tài chính lớn, thì công cụ bảo hiểm tiền gửi cũng đã được phát huy nhằm trấn an người gửi tiền, hạn chế người dân rút tiền hàng loạt gây đổ vỡ ngân hàng. Các công ty bảo hiểm tiền gửi trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: tiếp nhận xử lý các tổ chức tài chính có vấn đề, nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, tuyên truyền về chính sách bảo hiểm tiền gửi, hoặc công bố chính thức về tình hình tài chính ổn định của quốc gia...Đi tiên phong trong lĩnh vực này là Mỹ, với việc nâng mức nâng bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm liên bang từ 100.000 USD lên tới 250.000 USD. Tiếp đến, Liên minh Châu Âu cũng đã nhất trí tăng các mức bảo lãnh tiền gửi ngân hàng tối thiểu ở Châu Âu từ 20.000 Euro lên 50.000 Euro. Một loạt các nước: Đức, Áo, Anh, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển đã công bố kế hoạch riêng của họ (có nước cam kết bảo hiểm 100% số tiền gửi của người dân tại ngân hàng) để đảm bảo an toàn các khoản tiết kiệm của người dân tại ngân hàng.

Ở Việt Nam, từ đầu năm 2008 tới nay, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan tăng cường giám sát an toàn đối với các ngân hàng trong nước, đồng thời rà soát sự an toàn của các ngân hàng nước ngoài mà các ngân hàng Việt Nam có quan hệ để đảm bảo an toàn tiền gửi, từ đó công bố đến người dân được biết để họ thực sự yên tâm vào sự an toàn của thị trường tài chính Việt Nam. Hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại Việt Nam đã một lần được nâng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và lạm phát gia tăng, thiết

nghĩ các nhà hoạch định chính sách cũng cần nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên cao hơn nữa (thậm chí là bảo hiểm toàn bộ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính) để người dân yên tâm về khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng. Cùng với việc nâng hạn mức chi trả, cũng cần quan tâm đến loại tiền gửi được bảo hiểm (nên chăng bảo hiểm cả đối với ngoại tệ và vàng) để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Trong bối cảnh tài chính hiện nay, các tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam nên có những hoạt động thiết thực để ngày càng nâng cao được niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của khu vực ngân hàng và hệ thống tài chính quốc gia, giảm thiểu lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Mặc dù hệ thống tài chính Việt Nam chưa liên kết nhiều với thị trường thế giới, song các tác động gián tiếp làm suy giảm kinh tế toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã làm hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở vận dụng các phương pháp nghiên cứu, bám sát mục đích nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu, khóa luận đề cập đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, khái quát các lý luận cơ bản về khủng hoảng tài chính và tác động của khủng hoảng tài chính tới hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng. Tìm hiểu, phân tích một số cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trong lịch sử tại một số nước trên thế giới, từ đó rút ra các đặc điểm của khủng hoảng tài chính.

Thứ hai, nghiên cứu và phân tích cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và thực trạng hoạt động huy động vốn và tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2008 và nửa đầu 2009. Qua đó đánh giá mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Thứ ba, trên cơ sở đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam, khóa luận đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam trong thời gian tới.

Những giải pháp đề xuất trong khóa luận chỉ đóng góp nhỏ trong tổng thể các giải pháp phát triển hoạt động tín dụng cho các NHTM Việt Nam nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, những giải pháp này có thể phát huy hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa NHNN Việt Nam với các NHTM Việt Nam.

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 86 - 89)