Kết hợp hoạt động tín dụng và bảo hiểm tín dụng

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 84 - 86)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT

3.3.6.Kết hợp hoạt động tín dụng và bảo hiểm tín dụng

Trong hệ thống các tổ chức tài chính, NHTM và bảo hiểm là hai định chế quan trọng và to lớn nhất. Hoạt động của các công ty bảo hiểm có nhiều khía

cạnh khác biệt so với các loại hình kinh doanh khác, không chỉ ở việc chấp nhận rủi ro về phần mình từ các chủ thể kinh doanh khác, mà còn ở khả năng đánh giá khách quan và quản lý rủi ro. Ngân hàng trong quá trình hoạt động buộc phải chấp nhận rất nhiều loại rủi ro. Vì vậy, rất cần thiết xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm sao cho một phần rủi ro của ngân hàng được chia sẻ cho nhà bảo hiểm. Khi đó, ngân hàng có thể tập trung thời gian và nguồn lực vào việc trực tiếp cung cấp dịch vụ ngân hàng, xây dựng một cơ chế hoạt động linh hoạt hơn trong việc xác định lợi ích chiến lược giữa rủi ro và thu nhập. Công ty bảo hiểm thông qua việc gánh lấy một phần rủi ro của ngân hàng sẽ đảm bảo tính bền vững và độ tin cậy của ngân hàng hơn. Các công ty bảo hiểm cũng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Quá trình quản lý rủi ro ngân hàng phức tạp, nhiều cấp độ có thể được đơn giản hóa nhiều lần thông qua việc chuyển một bộ phận rủi ro mang tính kinh tế và phi kinh tế sang công ty bảo hiểm. Các chuyên gia của công ty bảo hiểm có nhiều điều kiện hơn trong chuyên môn hóa đánh giá khách quan rủi ro và xây dựng chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả. Nhờ vậy, tính bền vững, độ tin cậy của ngân hàng được tăng cường và có tác động tích cực đến việc nâng cao uy tín, thương hiệu ngân hàng.

Tín dụng là nghiệp vụ cơ bản hàng đầu và tạo nhiều thu nhập cho ngân hàng. Trong khi đó, chất lượng tài sản có của ngân hàng gắn chặt với nhiều nhân tố kinh doanh của người vay, đó là yếu tố cấu thành rủi ro tín dụng. Việc chuyển một phần rủi ro này cho nhà bảo hiểm đảm bảo độ tin cậy của người vay cao hơn, tạo tiền đề giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và nâng cao chất lượng tài sản có của ngân hàng.

Trên thế giới, hoạt động liên kết giữa bảo hiểm và ngân hàng đã rất phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam hoạt động này chưa được biết đến nhiều. Các NHTM Việt Nam cần xem đây như là một kênh quản trị rủi ro tín dụng, từ đó

xây dựng những chính sách bảo hiểm tín dụng hợp lý. Để nâng cao hoạt động tín dụng và phòng ngừa các rủi ro tín dụng có thể xảy ra, các NHTM Việt Nam cần thực hiện các biện pháp bảo hiểm tín dụng như: bảo hiểm tài sản (trong đó có bảo hiểm tài sản đảm bảo); bảo hiểm chu kỳ sản xuất kinh doanh; bảo hiểm trách nhiệm các loại (trong đó có trách nhiệm đối với người thứ 3 khi không hoàn thành nghĩa vụ của hợp đồng); bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; bảo hiểm nhân thọ của chủ thể vay vốn; bảo hiểm hàng hóa khi vận chuyển; bảo hiểm mùa vụ các cây công nghiệp…

Loại hình bảo hiểm tín dụng có 2 hình thức là:

- Yêu cầu khách hàng tự bảo hiểm đề phòng bất trắc. Khoản tín dụng trong trường hợp này coi như là được bảo hiểm gián tiếp. Để sử dụng tốt hình thức này, ngân hàng cần có chính sách ưu tiên cho vay đối với các đối tượng xin vay đã mua bảo hiểm.

- Ngân hàng trực tiếp mua bảo hiểm của các tổ chức bảo hiểm chuyên nghiệp cho các sản phẩm tín dụng của mình. Hình thức này cho phép các ngân hàng chủ động hơn trong việc xét duyệt đánh giá các đối tượng và loại hình cho vay. Từ đó, các ngân hàng sẽ xây dựng cho mình một chính sách tín dụng phù hợp và hạn chế rủi ro nhất.

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 84 - 86)