Thắt chặt quản lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 77 - 79)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT

3.3.2. Thắt chặt quản lý rủi ro tín dụng

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã khiến cho hàng chục ngân hàng Mỹ bị phá sản (Lehman Brothers, Washington Mutual ..) hoặc bị bán lại (Bear Stearns, Merrill Lynch …), buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tập đoàn ngân hàng đa chức năng (Goldman Sachs, Morgan Stanley…). Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc các ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Đây là bài học kinh nghiệm cho các ngân hàng ở những nước khác trên thế giới, trong đó có các ngân hàng Việt Nam, khi xem xét, cho vay đối với khách hàng.

Để đánh giá, lượng hóa rủi ro tín dụng và tổn thất do rủi ro tín dụng gây ra là một việc không đơn giản. Các NHTM Việt Nam cần xây dựng cho mình một chính sách cấp tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng hợp lý dựa trên một số mô hình đánh giá rủi ro tín dụng như: mô hình chất lượng dựa trên yếu tố 6C; mô hình điểm số Z; mô hình xác suất tuyến tính; mô hình điểm số tín dụng tiêu dùng; mô hình xếp hạng của Moody và Standard&Poor.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại thắt chặt việc chấp hành quy trình tín dụng, thể lệ cho vay đối với tất cả cán bộ tín dụng, cán bộ kinh doanh, các bộ phận có liên quan. Khâu thẩm định dự án cho vay được tiến hành mang tính thực chất hơn. Thẩm định bao gồm cả hiệu quả dự án, khả năng tiêu thụ hay đầu ra của thị trường sản phẩm và dịch vụ, giá trị đích thực và tính pháp lý của tài sản đảm bảo tiền vay. Uy tín của dự án của khách hàng, năng lực của chủ dự án,...là những yếu tố không thể bỏ qua trong quá trình thẩm định cho vay.

Tuy nhiên, rủi ro tín dụng là không thể tránh khỏi trong quá trình hoạt đang của các NHTM. Các NHTM cần phải xây dựng các biện pháp xử lý các khoản nợ xấu nhằm hạn chế tối đa những khoản thiệt hại. Để có thể xử lý nợ xấu có hiệu quả thì điều trước tiên là cần phải phát hiện ra càng sớm càng tốt các khoản nợ có vấn đề, các khoản nợ này cần phải được khắc phục ngay. Trong tình hình thị trường tiền tệ biến động liên tục, các khoản nợ xấu của các NHTM có xu hướng tăng do những tác động gián tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Giải pháp trước mắt của các NHTM là phải hạn chế các khoản nợ xấu, xây dựng một qui trình giải quyết có hiệu quả. Qui trình xử lý nợ xấu bao gồm:

- Khi một khoản nợ được xác định là nợ xấu, ngay lập tức được chuyển sang bộ phận xử lý nợ xấu. Các tài liệu về nợ phải được hoàn thiện với những chứng cớ về tình trạng và nguyên nhân xuống hạng của nợ xấu. - Bộ phận xử lý nợ xấu cần phải tiến hành ngay việc rà soát nợ xấu mới

phát sinh, thu thập thông tin cập nhật để đánh giá lại tình trạng của khách hàng.

- Áp dụng các chiến lược khi xử lý nợ xấu:

(1) Chiến lược duy trì: có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ tín dụng giữa khách hàng với ngân hàng. Các khách hàng được tiếp tục duy trì có cơ

hội để cơ cấu lại tùy thuộc vào khả năng trả nợ và tồn tại của hoạt động kinh doanh của khách hàng.

(2) Chiến lược rút lui: được sử dụng đối với các khoản vay không có khả năng hoàn trả và cần được thanh lý hoặc xóa nợ. Đối với các trường hợp này, NHTM cần thu thập hoặc thu nợ bắt buộc thông qua các thủ tục pháp lý, phát mãi tài sản thế chấp, thu hồi các khoản công nợ của khách hàng một cách kịp thời.

Các ngân hàng thương mại cần chú ý hơn việc định kỳ hạn nợ và gia hạn nợ phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và thời gian thi công các công trình. Tập trung thu hồi nợ đến hạn và nợ quá hạn, nợ đã xử lý rủi ro, kiên quyết chuyển nợ quá hạn đối với khách hàng đến hạn trả nợ nếu không có lý do chính đáng để gia hạn nợ.

Các NHTM phải thực hiện đúng Quy chế cho vay và Quy chế bảo đảm tiền vay do NHNN ban hành nhằm bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng. Theo quy chế này, các NHTM phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% so với tổng tài sản Có rủi ro. Giới hạn tín dụng đối với 1 khách hàng là không vượt quá 15%, đối với 1 nhóm khách hàng là không vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng. Các ngân hàng cũng phải thường xuyên bảo đảm tỷ lệ về khả năng chi trả đối với từng loại tiền tệ. Cụ thể là tỷ lệ tối thiểu 25% giữa giá trị các tài sản Có có thể thanh toán ngay và các tài sản Nợ sẽ đến hạn thanh toán trong thời gian 1 tháng tiếp theo; tỷ lệ tối thiểu bằng 1 giữa tổng tài sản Có có thể thanh toán ngay trong khoảng thời gian 7 ngày làm việc tiếp theo và tổng tài sản Nợ phải thanh toán trong khoảng thời gian 7 ngày làm việc tiếp theo. Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các NHTM là 40%. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, các NHTM phải duy trì tỷ lệ nợ xấu (NPL) dưới 3% tổng dư nợ và có hệ thống quản lý tài sản Có và tài sản Nợ tốt.

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w