24 SIV Structured Investment Vehicle
2.1.3.3. Đối với Việt Nam
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến một số hoạt động của kinh tế nước ta, nhưng mức độ tác động không lớn như các nước đang phát triển khác.
Về thương mại
Cuộc khủng hoảng đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Đây là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Ngay từ những tháng đầu năm 2008, đã xuất hiện xu hướng giảm tốc độ xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do cầu tiêu dùng tại Mỹ suy giảm mạnh bởi tác động của khủng hoảng tài chính. Trong 9 tháng đầu năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 16,7%, thấp hơn khá nhiều so với mức 26,7% của năm 2007. Tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm, từ 20,7% năm 2007 xuống còn 17,7% trong 9 tháng đầu năm 2008. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất là may mặc, giày da, gạo, cá basa, cà phê...
Cuộc khủng hoảng cũng tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Nhật Bản - hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng, người tiêu dùng của các thị trường này phải cắt giảm chi tiêu, nên nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm. Tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm, chỉ còn 16,5%, trong khi năm 2007 là 18%.
Xuất khẩu cả năm 2008 chỉ đạt khoảng 64 tỷ USD, tăng 31,8% so với thực hiện năm 2007, thấp hơn so với dự báo của Chính phủ cả về kim ngạch và tốc độ tăng trưởng (tương ứng là 65 tỷ USD và 33,9%) do xuất khẩu giảm không chỉ về số lượng các đơn hàng, mà cả về giá bán của hàng hóa xuất khẩu.
Biểu 16: Kim ngạch xuất nhập khẩu các tháng năm 2008
Nguồn : Số liệu Tổng cục hải quan
Năm 2009, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 64 tỷ USD, giảm cả về kim ngạch và tốc độ tăng kim ngạch so với con số dự báo đã được trình Quốc hội cuối năm 2008 (tương ứng là 67,7 tỷ USD và 18%).
Về hoạt động thị trường tài chính
Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ không tác động trực tiếp tới thị trường tài chính Việt Nam vì chưa có định chế tài chính nào của Việt Nam đầu tư vào trái phiếu MBS và các hợp đồng cho vay cầm cố dưới chuẩn Mỹ. Không chịu
tác động lớn và trực tiếp nhưng thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng nhất định vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới chiếm 30% tổng sản phẩm GDP và mức chu chuyển vốn trên thị trường thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều hội nhập kinh tế quốc tế nên mọi biến động của một nền kinh tế nào đó cũng có ảnh hưởng nhất định đối với thế giới, đặc biệt là một nền kinh tế lớn như Mỹ.
Lãi suất cho vay liên ngân hàng quốc tế (LIBOR và SIBOR26) tăng ảnh hưởng tới nợ ngắn hạn của Việt Nam tại các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Mặc dù số nợ này không lớn, chỉ khoảng 2 tỷ USD, nhưng buộc phải tái cấu trúc kỳ hạn và lãi suất, và như thế có thể ảnh hưởng tình hình tài chính của một số ngân hàng và doanh nghiệp.
Khủng hoảng tài chính tại Mỹ khiến người dân dự đoán USD sẽ xuống giá và rút USD khỏi ngân hàng, bán USD mua VND. Điều này tác động tới lượng cung cầu đồng nội tệ và ngoại tệ trên thị trường và làm cấu trúc tài sản của các ngân hàng rơi vào tình trạng mất cân bằng.
Giá bất động sản ở Việt Nam cũng có xu hướng giảm theo xu hướng của giá nhà tại Mỹ. Khi giá bất động sản giảm xuống thì tài sản thế chấp ngân hàng cũng xuống theo và nợ xấu có thể tăng lên. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì dư nợ cho vay bất động sản tính đến cuối tháng 9/2008 là 115.500 tỷ VND, chiếm 9,15% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tình trạng kéo dài khiến các khoản nợ xấu quá hạn hoặc khó đòi tăng lên. Kết quả tài chính của nhiều ngân hàng thương mại sụt giảm trong năm 2008. Đây chính là những tác động trong ngắn hạn của cuộc khủng hoảng tài chính đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chững lại, thậm chí vốn đã cam kết sẽ thực hiện cũng triển khai chậm bởi khoảng 80% vốn đầu tư vào Việt Nam là đi vay. Khi không đi vay được thì nhà đầu tư sẽ khó giải ngân vào Việt 26 LIBOR – London Interbank Offered Rate: Lãi suất liên ngân hàng London
Nam. Vốn cam kết thì lớn, nhưng vốn thực hiện thấp, tình hình giải ngân những tháng cuối năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa gia nhập vào hệ thống thị trường chứng khoán thế giới nhưng chịu tác động không nhỏ của cuộc khủng hoảng tài chính. Tâm lý lo ngại khiến chỉ số VN-Index và HASTC Index liên tục giảm. So với thời điểm cuối năm 2007 HaSTC - index và VN - Index giảm tương ứng 67,2% và 66,9%. Giá chứng khoản giảm, thị trường tụt dốc mạnh khiến phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về khi nguồn vốn của họ bị co lại. Khi đó, một lượng không nhỏ ngoại tệ (USD) sẽ ra khỏi Việt Nam.
Khu vực ngân hàng của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ dưới mức tối thiểu quy định 1.000 tỷ đồng có thể sẽ phải sáp nhập với các ngân hàng lớn, nhưng sự đổ bể của hệ thống tài chính Việt Nam khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính có xu hướng giảm, thậm chí một số ngân hàng rơi vào tình trạng thua lỗ.
Về đầu tư nước ngoài
Cuộc khủng hoảng đã bước đầu có ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA). Số dự án FDI đăng ký mới có xu hướng chững lại. Trong tháng 10/2008, tổng số dự án đăng ký mới là 68 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,02 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm 2008 (9 tháng đầu năm có 885 dự án đăng ký với tổng số vốn đăng ký là 56,27 tỷ USD).
Khả năng giải ngân vốn FDI và ODA trong năm 2008 cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Tổng vốn FDI thực hiện trong 10 tháng đầu năm 2008 so với tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm chỉ đạt khoảng 15%. Số vốn ODA giải ngân năm 2008 không đạt được như dự báo trước là 2,3 tỷ USD.
Trong những năm tới, khủng hoảng tài chính thế giới có thể khiến dòng đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam suy giảm vì những lo ngại về bất ổn kinh tế và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Với những tác động ban đầu của khủng hoảng tài chính thế giới đến đầu tư nước ngoài, thương mại, tài chính tiền tệ... trong thời gian vừa qua, cũng như phạm vi ảnh hưởng của khủng hoảng đến kinh tế thế giới như đã phân tích ở trên, nền kinh tế nước ta dự báo sẽ còn gặp khó khăn trong năm 2009 và các năm tiếp theo.