Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 79 - 81)

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT

3.3.3. Nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng

Một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là tình trạng buông lỏng quản lý của Chính phủ Mỹ trong giai đoạn từ sau khủng hoảng Dot-com. Sự thiếu minh bạch và yếu kém trong việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng của các công cụ tài chính mới chứa đựng nhiều rủi ro. Kết quả là thị trường tài chính Mỹ đã lâm vào khủng hoảng trước sự tụt giảm của giá trị các tài sản thế chấp vốn không phải là giá trị thực. Vì vậy có thể thấy rằng một cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các NHTM là rất cần thiết. Hoạt động tín dụng của các NHTM chỉ có thể phát triển bền vững và ổn định trong một môi trường minh bạch và ít rủi ro.

Trong giai đoạn tới, các NHTM Việt Nam cần nghiêm túc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát tín dụng ngân hàng dựa trên khuôn khổ pháp luật và các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, đi đôi với việc củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng.

Để công tác giám sát chất lượng tín dụng được thực hiện hiệu quả và nhanh chóng, các NHTM cần dựa vào các công cụ như: các dấu hiệu rủi ro, bảng và đồ thị theo dõi các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp, bảng xếp hạng rủi ro và xếp hạng tài sản đảm bảo. Việc giám sát, kiểm tra phải được thực hiện ở các cấp độ khác nhau:

- Cán bộ tín dụng giám sát từng tài khoản, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, kiểm tra các điều khoản của hợp đồng, gặp gỡ khách hàng kiểm tra tại chỗ…

- Cán bộ tín dụng quản lý rủi ro phải thường xuyên kiểm tra hạn mức, giám sát rủi ro kinh doanh, tiến hành phân tích mọi biểu hiện của ngành kinh doanh đó.

- Cán bộ hỗ trợ tín dụng tính toán và báo cáo hạn mức tín dụng phục vụ cho các báo cáo nội bộ, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các điều khoản rằng buộc theo hợp đồng.

- Ban kiểm soát nội bộ kiểm tra thường xuyên và định kỳ các quy chế nội bộ và các quy định của cơ quan chức năng.

- Ban lãnh đạo giám sát tổng thể tình hình hoạt động tín dụng thông qua các công cụ quản lý và hệ thống báo cáo.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp và hoạt động độc lập. Có như vậy, kết quả thanh tra mới được đánh giá một cách khách quan và giúp ngân hàng có những giải pháp kịp thời xử lý các tình huống rủi ro có thể xảy ra.

Một phần của tài liệu Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và tác động đến hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w