QUẢN LÝ BÁO CHÍ CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Các cơ quan thông tin đại chúng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới. Như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của ĐCSVN đã xác định: "... đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vững bước tiến lên trong thế kỷ XXI" [31]. Mục tiêu đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đội ngũ nhà báo phải phấn đấu cao hơn nữa. Bởi vì nhu cầu thông tin của quần chúng rất lớn, không chỉ ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Người Việt Nam ở các nước trên thế giới cũng thường theo dõi, tìm hiểu đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, bằng phương thức báo chí, cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí phải chỉ đạo, phối hợp báo chí như một đội quân chiến đấu, với nhiều binh chủng tác chiến; tập hợp được mọi tiềm năng trí tuệ, mọi suy nghĩ của toàn đảng, toàn xã hội để giải quyết những vấn đề cơ
bản nóng bỏng nhất, mấu chốt nhất của đất nước.
Hệ thống thông tin báo chí nước ta đang phát triển về quy mô, chất lượng và phạm vi tác động. Sự phát triển đó có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của báo chí khu vực, cũng như quá trình toàn cầu hóa thông tin đang diễn ra trên thế giới. Tình hình đó đòi hỏi công tác đào tạo cán bộ báo chí ở địa phương phải được tăng cường, có bước chuyển nhanh chóng để đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra về chất lượng chuyên môn, quan điểm chính trị- xã hội, về khả năng tiếp cận, hòa nhập với thế giới xung quanh. Trước yêu cầu đặt ra hiện nay, báo chí nước ta nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng cần đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí không phải chỉ có trình độ đại học, trên đại học mà phải biết ngoại ngữ, và tinh thông nghề nghiệp, đặc biệt là phải có tri thức sâu rộng và kinh nghiệm trong nghề. Bác Hồ từng nói: "Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, người làm báo cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài" [52, tr. 415].
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí đang đặt ra cấp bách. Lâu nay, công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan báo chí thường chưa có quy hoạch, kế hoạch mà chủ yếu đào tạo theo hướng chọn lọc và bổ nhiệm của cấp trên. Nhiều cán bộ chính trị đã được lựa chọn sang lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí. Tuy có kinh nghiệm trong tổ chức đảng nhưng thiếu tri thức liên quan đến báo chí. Vì thế, để lãnh đạo báo chí, phải bắt đầu từ việc đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo. Nghĩa là người lãnh đạo cơ quan báo chí phải giỏi về chuyên môn, nắm vững nghiệp vụ báo chí.
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, báo chí đang phát triển nhanh chóng và sự phân công chuyên môn hóa các công đoạn sáng tạo ngày càng sâu sắc, bên cạnh đó, các mối quan hệ chính trị quốc tế rất phức tạp với sự phát triển của các xa lộ thông tin quốc tế và tăng cường giao lưu các sản phẩm báo chí giữa các quốc gia... thì việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan báo chí cực kỳ quan trọng, trong đó cần bồi dưỡng thêm như lý luận báo chí, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật hiện đại; tri thức về quản trị
kinh doanh. Thiếu những tri thức đó, người lãnh đạo khó mà lãnh đạo tốt tờ báo. Và đương nhiên, thường xuyên tự nghiên cứu, học tập, rèn luyện là một phẩm chất không thể thiếu của người lãnh đạo báo chí. Đã là người nắm cương vị lãnh đạo báo chí thì phải có khát vọng tự nghiên cứu, học tập để vươn lên không ngừng. Bởi, người lãnh đạo báo chí ngày càng có vai trò và trọng trách to lớn trong việc tổ chức tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, góp phần vận động thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển theo định hướng XHCN.
Đối với công tác cán bộ, việc sử dụng và đề bạt cán bộ lãnh đạo báo chí phải được đổi mới. Quy hoạch đào tạo theo hướng chọn lọc và bổ nhiệm của cấp trên hiện nay đã không còn phù hợp. Thay vào đó là tiến hành quy hoạch, sử dụng và đề bạt đội ngũ cán bộ lãnh đạo báo chí đúng quy trình và chỉ lựa chọn những người thật sự có đầy đủ năng lực, những phẩm chất cần thiết. Đó là, người lãnh đạo báo chí phải là người có năng lực lãnh đạo, trình độ chính trị, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức trong sáng. Bên cạnh đó cần nghiêm túc thực hiện Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí theo hướng: cơ quan chủ quản đề nghị; cơ quan chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước về báo chí xem xét hiệp ý; cơ quan chủ quản ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm trực tiếp.
Trình độ dân trí nói chung và trình độ đội ngũ những người làm báo vùng ĐBSCL được xác định là vùng trũng so với mặt bằng trình độ dân trí trong nước. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, các phóng viên, biên tập viên là vấn đề cấp bách đang được đặt ra. Việc đào tạo, bồi dưỡng tốt lực lượng này sẽ giúp cho báo chí trong vùng phát triển ngang tầm với báo chí trong nước, khu vực và thế giới.
Được biết, ngày 16-5-2009, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí- xuất bản theo tư tưởng Hồ Chí Minh", tại đây, Giám đốc Học viện Hoàng Đình Cúc nhấn mạnh: "Hiện nay, nhà trường đang cùng các cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan triển khai đề án. Trong đó nhà
trường đặc biệt chú ý về chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí..." [54]. Đây được xem là cơ hội tốt để báo chí vùng ĐBSCL thực hiện công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo của ngành.