Các cơ quan báo chí địa phương do Tỉnh ủy (Thành ủy), UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý. Đối với các báo ngành, thì cấp ủy ngành đó trực tiếp lãnh đạo.
Báo Đảng bộ tỉnh, thành phố có vị trí tương đương với một ban của Tỉnh ủy, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Đài PT-TH do UBND trực tiếp
quản lý về tổ chức và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Các đài này còn chịu sự quản lý một phần về chuyên môn, kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam (theo ngành dọc).
Ban Tuyên giáo được phép thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí với chức năng chủ yếu là:
- Tham mưu cho cấp ủy về các vấn đề liên quan đến báo chí trên các mặt: định hướng thông tin; tổ chức bộ máy và nhân sự; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí; theo dõi, tổng hợp, đánh giá công tác tuyên truyền, báo cáo cấp ủy và Ban Tuyên giáo Trung ương về các báo do địa phương quản lý.
- Thông tin các chủ trương, chính sách, cơ chế của cấp ủy, chính quyền tình hình các mặt của địa phương, định hướng tuyên truyền các vấn đề của cả nước và địa phương, phối hợp quản lý đại diện cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn.
- Hướng dẫn và kiểm tra nội dung thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chủ trì, phối hợp chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa- văn nghệ, Hội Nhà báo, đảm bảo các hội này hoạt động theo đúng định hướng và tính chất là các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp [7, tr. 5].
Tổ chức đảng trong cơ quan báo chí: Theo Quy định số 165-QĐ/TW ngày 21- 4-2006 của Ban Bí thư, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí có các chức năng, nhiệm vụ sau:
Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo
đài, tạp chí; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng, rèn luyện đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa [33].
Các tổ chức đảng nối liền đảng viên và các đoàn thể và quần chúng trong cơ quan; là nơi giáo dục, rèn luyện, kết nạp và sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng; nơi xuất phát đề cử ra cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng; nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với các đoàn thể và quần chúng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ"… "Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng".
Trong từng thời gian đề ra được những nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu, biện pháp phấn đấu chính xác, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Các chi bộ, đảng bộ hoạt động trong mối quan hệ thường xuyên với các đoàn thể, quần chúng, chủ động giải quyết những vấn đề được đặt ra hàng ngày, hàng giờ trong công tác và đời sống của cán bộ viên chức, phát huy tính chủ động và sáng tạo, đồng thời biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, giáo dục, động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong nhận thức và hành động; sàng lọc, loại bỏ ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa, lạc hậu, tạo điều kiện củng cố tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ. Bên cạnh việc quản lý đảng viên trong chi bộ, cần kết hợp với việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá về đảng viên của quần chúng trong cơ quan báo chí, của cấp uỷ nơi gia đình cư trú, nơi đến cư trú hoặc ở cơ sở đào tạo...
Giáo dục đảng viên kết hợp với công tác giáo dục đoàn viên, hội viên, quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội nhà báo...) trong các cơ quan báo chí. Nội dung giáo dục hướng vào việc nâng cao kiến thức chính trị - xã hội, pháp luật, trách nhiệm xã hội, tác phong công tác, cách thức ứng xử tình huống... Có kế
hoạch giáo dục, rèn luyện phóng viên, biên tập viên trẻ tuổi để họ sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong các cơ quan báo chí.
Trong công tác tuyển chọn phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và trong quy trình bố trí cấp uỷ, bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí đảm bảo tiêu chuẩn, thực hiện đúng Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, nhất là vấn đề chính trị hiện nay.
Xây dựng tiêu chuẩn và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn nhà báo về phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành luật pháp, kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn và quy tắc ứng xử của nhà báo đối với các vấn đề xã hội nhạy cảm.
Tiểu kết chương 1
Báo chí cách mạng nước ta nói chung và báo chí địa phương nói riêng từ khi ra đời cho đến nay luôn hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đây là yếu tố hàng đầu, là nguyên tắc bất di, bất dịch trong hoạt động của báo chí.
Đảng lãnh đạo báo chí bằng định hướng hoạt động sao cho đúng tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ; định hướng chính trị và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về đường lối, chính sách và tình hình thực tiễn đất nước. Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và báo chí nói riêng, sự lãnh đạo này là một tất yếu khách quan, xuất phát từ yêu cầu của cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo; từ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và bản thân sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo đối với báo chí bằng việc đề ra những chỉ thị, nghị quyết; lãnh đạo thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí; lãnh đạo thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan báo chí.
Báo chí địa phương nước ta chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, chi bộ trong cơ quan báo chí.
Từ sự lãnh đạo và quản lý đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí địa phương không ngừng vươn lên phát triển mạnh mẽ. Những cứ liệu này sẽ là tiền đề cho việc đi sâu phân tích những ưu thế và hạn chế trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với báo chí địa phương vùng ĐBSCL.
Chương 2