Báo chí nước ta nói chung, báo chí vùng ĐBSCL nói riêng đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, đồng thời phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển, phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế; trong tình hình các thế lực cơ hội, thù địch ráo riết triển khai chiến lược "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Nghị quyết Đại hội X của Đảng, khi đề cập nhiệm vụ công tác tư tưởng, lý luận và báo chí đã nhấn mạnh:
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập lý luận, công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động, báo chí, xuất bản, văn hóa nghệ thuật, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; tăng cường tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt là những vấn đề chính trị nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong các cơ quan báo chí. Khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ, nhất là xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thị hiếu thấp kém và lợi ích vật chất cá nhân cục bộ [34, tr.258].
Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với báo chí, trước hết là do yêu cầu phát triển của đất nước và của chính báo chí; tạo bước đột phá trong nhận thức và hành động, nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý báo chí nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.