- Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo;
- Thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên trong các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí;
- Xây dựng quy chế làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin báo chí;
- Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan;
- Qui định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa 4 cơ quan sau: Chỉ đạo báo chí của Đảng; quản lý báo chí của Nhà nước; Hội Nhà báo và các cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí và người làm báo;
- Xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm;
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống báo chí, các đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương đến địa phương và báo chí điện tử; sắp xếp thu gọn đầu mối theo hướng khoa học, hợp lý và hiệu quả.
Chúng ta thường nói, báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng Đảng không lãnh đạo báo chí bằng cách cầm tay chỉ việc, bắt nhà báo hay cơ quan báo chí phải viết bài này, bài kia cụ thể hay trình bày bằng phương pháp này, hình thức kia... mà Đảng lãnh đạo báo chí bằng cách đề ra những chỉ thị, nghị quyết, những kết luận, thông báo của Đảng về vấn đề báo chí. Hiệu quả của sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí phụ thuộc vào việc đưa ra những quan điểm, những định hướng khoa học đúng đắn vào trình độ, năng lực, phẩm chất của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
1.2.2.2. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí báo chí
Tổ chức cơ sở đảng (các chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng. Các tổ chức cơ sở đảng ấy có nhiệm vụ quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo cho nghị quyết của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh; xây dựng đảng bộ, chi bộ và đội ngũ cán bộ ở đơn vị tham gia vào việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng...
Từ đây chúng ta thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của chi bộ, đảng bộ đối với các cơ quan báo chí nói chung và đối với nội dung thông tin tuyên truyền trên mặt báo nói riêng. Theo TS. Hoàng Quốc Bảo, sự lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí rất đa dạng và phức tạp. Quá trình lãnh đạo ấy thường chia thành các cấp như sau:
- Thứ nhất là, các cơ quan báo chí cấp Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thứ hai là, cơ quan báo chí cấp Trung ương nhưng thuộc đơn vị cấp Vụ, đặt dưới sự quản lý của Ban, Ngành, cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội;
- Thứ ba là, đối với ban biên tập các tạp chí của các Viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường Đại học, Học viện, Quân đội và Công an...[2, tr. 24].
Đối với mỗi cấp trên đây, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan báo chí có tính đặc thù riêng, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của cơ quan báo chí đó.
Các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên quán triệt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy vai trò tích cực, chủ động đóng góp ý kiến vào việc xác định, tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch công tác của cơ quan, tham gia vào xây dựng tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, đấu tranh chống tiêu cực, kiểm tra đảng viên là tổng biên tập trong việc chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật và tiến hành công tác tổ chức cán bộ trong cơ quan.
Sự lãnh đạo thông qua tổ chức đảng ở cơ quan báo chí phải thường xuyên. Coi trọng việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, quản lý cán bộ lãnh đạo nhất là người đứng đầu cơ quan báo chí. Khi cần thiết, có thể bổ sung và điều động cán bộ để đảm bảo tổ chức đảng ở đó luôn vững mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình trong cơ quan báo chí. Ở các cơ quan báo chí, trong khi cần khắc phục thái độ coi nhẹ vai trò của tổ chức đảng, tuyệt đối hóa quyền và vai trò của người phụ trách (tổng biên tập, giám đốc), cần tránh khuynh hướng lãnh đạo tập thể chung chung, không phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của người phụ trách theo đúng quy định của Luật Báo chí. Tùy theo trình độ, năng lực thực tế của đồng chí phụ trách báo chí mà cấp ủy đảng quy định những vấn đề gì mà đồng chí đó không được tự quyết định, nhất thiết phải thỉnh thị cấp ủy hoặc đồng chí đại diện cơ quan chủ quản, nhất là những vấn đề đặc biệt quan trọng.