Sự cần thiết giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ở Bình Định

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bình Định Thực trạng và giải pháp docx (Trang 50 - 53)

2.2.2.1. Sự cần thiết giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức ở Bình Định Định

Hiện nay, Bình Định cũng như cả nước ta đang phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân", theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Mục tiêu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta là xây dựng một Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, nhà nước của khối đại đoàn kết dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để đảm bảo tự do dân chủ của nhân dân đòi hỏi nhà nước "phải tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, công dân có trách nhiệm với nhà nước như thế nào thì nhà nước cũng phải có trách nhiệm đối với công dân như thế ấy" 23, tr. 97]. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, công chức am hiểu pháp luật, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần công vụ cao trước nhân dân.

Trong hoạt động công vụ hàng ngày, ý thức và hành vi của mỗi cán bộ, công chức nhà nước đều có tác động, ảnh hưởng sâu rộng trực tiếp đến nhiều bộ phận, cá nhân khác trong xã hội. Việc ban hành các quyết định quản lý của cán bộ, công chức theo chức năng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một hay nhiều quan hệ pháp luật, có thể liên quan đến lợi ích hoặc thiệt hại vật chất, tinh thần của nhiều cơ quan tổ chức và cá nhân. Vì thế, hoạt động của mỗi cán bộ, công chức đều góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội. Để hoàn thành các chức năng nhiệm vụ được giao, một trong những yêu cầu có tính bắt buộc đối với cán bộ, công chức là phải hiểu biết pháp luật, có kiến thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đảm bảo việc thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của nhân dân. Đó cũng là điều kiện cần thiết để duy trì và đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Hầu hết các hoạt động của cán bộ, công chức đều do pháp luật quy định. Pháp luật là công cụ đồng thời cũng là phương tiện để cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, trang bị cho họ những kiến thức cơ bản, cần thiết về pháp luật để họ vận dụng pháp luật mà xử lý, giải quyết công việc hàng ngày theo pháp luật, đúng pháp luật là rất quan trọng. Quan trọng hơn, họ cũng chính là những người tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua nhiệm vụ hoặc thông qua công tác chuyên môn nghiệp vụ của mình. Vì vậy, nếu cán bộ, công chức có trình độ hiểu biết pháp luật toàn diện, sâu sắc, có thái độ tôn trọng pháp luật, có hành vi chấp hành pháp luật nghiêm túc, kết quả công việc của họ sẽ tốt hơn và hiệu quả giáo dục pháp luật của họ với nhân dân sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức hiểu biết pháp luật sơ sài, ý thức pháp luật kém, có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ có tác động xấu đến công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thậm chí không duy trì được trật tự, kỷ cương xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội trong thời kỳ đổi mới, văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Tỉnh Đảng bộ Bình Định đã ghi: "Đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng sát nhân dân, sát cơ sở; tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật" [16, tr. 56]. Văn kiện Đại hội cũng đã chỉ rõ rằng:

Phải tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ hành chính sự nghiệp, kiến thức pháp luật. Dành kinh phí đầu tư đúng mức cho công tác đào tạo lại, đào tạo bổ sung và đào tạo mới đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn xem như đầu tư xây dựng cơ bản chiều sâu [16, tr. 56.

Sau Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản như: Chỉ thị 16/CT-UB ngày 13/3/1992, Chỉ thị 04/-UB ngày 16/2/1993, Chỉ thị 06/CT- TU ngày 03/4/1995 v.v... Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục pháp luật cho cán bộ và công chức trên địa bàn tỉnh.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng đi vào chiều sâu thì pháp luật càng trở thành phương tiện hữu hiệu trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Để phương tiện pháp luật phát huy được hiệu quả cao nhất thì:

Phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức pháp luật và kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội... Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn; cán bộ trưởng thôn, khu vực trưởng đảm bảo tổ chức thực hiện có kết quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước [18, tr. 59].

Các quan điểm, chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nói trên đã được cụ thể hóa trong kế hoạch 01/KH-UB ngày 12/02/1998 của UBND tỉnh "Về triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 ở Bình Định". Theo kế hoạch nói trên, việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh được vạch ra khá cụ thể, bao gồm các nội dung sau đây:

- Về yêu cầu của việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức:

+ Giúp cho cán bộ, công chức nắm vững lý luận cơ bản về nhà nước - pháp luật nói chung và những kiến thức về pháp luật hành chính - dân sự - kinh tế nói riêng.

+ Cập nhật những quy định của pháp luật mới ban hành và những văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh của từng cán bộ, công chức.

+ Nâng cao năng lực vận dụng thực thi pháp luật trên cương vị công tác của từng cán bộ, công chức, góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước và của công dân.

Về nội dung giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, tùy thuộc vào từng đối tượng:

+ Đối với cán bộ chính quyền cơ sở:

* Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật. * Pháp luật về hành chính, kinh tế, dân sự...

* Pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân, qui chế tiếp dân và việc giải quyết các công việc của công dân và tổ chức.

* Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội.

* Một số quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

+ Đối với cán bộ, công chức nhà nước:

* Một số vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật.

* Pháp luật về hành chính, Hiến pháp, chế độ công vụ, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

* Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp.

* Pháp luật về quản lý kinh tế, thương mại, dân sự và các điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước.

+ Đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật:

Ngoài các nội dung của hai đối tượng trên, cán bộ, công chức của đối tượng này phải được trang bị những kiến thức về tố tụng, trình tự thanh tra, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

- Về biện pháp thực hiện việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, kế hoạch đề ra mấy biện pháp sau:

+ Mỗi cơ quan đơn vị cần xây dựng cho mình một tủ sách pháp luật và có kế hoạch khai thác tốt tủ sách pháp luật.

+ Ban Tổ chức chính quyền và các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chuyên đề, chủ yếu cho cán bộ cơ sở.

+ Qui hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức theo chương trình, nội dung của Trung ương quy định.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bình Định Thực trạng và giải pháp docx (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)