qua
Trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta "chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa" 15, tr. 23], đòi hỏi một Nhà nước được tổ chức và quản lý chặt chẽ bằng pháp luật thì mới có thể theo định hướng XHCN. Hơn nữa, công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, thực chất là xây dựng và đổi mới từng bước, nhằm hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, dân chủ thực sự bao giờ cũng gắn với pháp luật, nhà nước quản lý bằng pháp luật đặt mình dưới pháp luật - nhà nước pháp quyền. Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu xây dựng một Nhà nước như vậy - "Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân", "công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân" [15, tr. 48]. Để xây dựng được một Nhà nước như trên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tuyên truyền giáo dục pháp luật; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Giáo dục pháp luật trong nhà nước pháp quyền có vai trò quan trọng và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong giáo dục công dân.
Xuất phát từ yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, từ nhận thức về vai trò của công tác giáo dục pháp luật trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội, từ đầu những năm 1980, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề giáo dục pháp luật. theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị 315/CT-HĐBT ngày 07/12/1982, với nội dung xác định rõ: "Các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể phải thường xuyên phổ biến, giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đưa việc giáo dục pháp luật vào các trường học, cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trong pháp luật". Đến đầu những năm 1990, công tác giáo dục pháp luật đã trở thành bức thiết trong đời sống xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) đã chỉ rõ: "Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm cho Nhà nước quản lý mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, thường xuyên giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức sống
và làm việc theo pháp luật" [11, tr. 91-92]. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Chỉ thị số 274/CT-HĐBT ngày 25/7/1992 "về việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật và một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật". Có thể nói, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, công tác giáo dục pháp luật được Đảng và Nhà nước chú trọng và đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể. Từ đó đến nay, nhiều văn bản quan trọng trong công tác giáo dục pháp luật đã được ban hành; đặc biệt là Quyết định 03/1998/ QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật" và Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay".
Quán triệt Nghị quyết của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ về công tác giáo dục pháp luật, trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định luôn quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo công tác giáo dục pháp luật ở địa phương. Ngày 13/3/1992, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 16/CT-UB nêu rõ:
Cần nhận rõ việc tuyên truyền giáo dục pháp luật là một phần quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là biện pháp chủ yếu đế xây dựng ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Vì vậy, cần phải có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, đưa công tác này vào nề nếp thường xuyên, có hiệu quả.
Đồng thời Chỉ thị cũng đã xác định cụ thể:
Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các sở, ban ngành toàn tỉnh. Sở Tư pháp chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để cùng bàn về nội dung, kế hoạch, biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa pháp luật vào cuộc sống xã hội.
Thực tế sau Chỉ thị 16/CT-UB, công tác giáo dục pháp luật ở Bình Định có những chuyển biến đáng kể.
Để lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật, Tỉnh ủy Bình Định cũng đã ra Chỉ thị 06/CT-TU ngày 03/4/1995 xác định rõ ba mục tiêu sau:
- Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Tư pháp với các ngành, đoàn thể, tổ chức triển khai việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi trong cán bộ và nhân dân các văn bản pháp luật thiết thực với đời sống xã hội.
- Tổ chức biên soạn, in ấn phát hành đề cương tuyên truyền các văn bản luật đến các ngành, các địa phương làm tài liệu để những đơn vị này nhân ra diện rộng.
- Tổ chức khảo sát nắm tình hình về công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nhu cầu hiểu biết, khả năng nhận thức về pháp luật trong cán bộ và nhân dân để trên cơ sở đó xác định phương pháp và hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.
Sau khi Chỉ thị 06/CT-TU được ban hành, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan, dưới sự chỉ đạo của UBND Tỉnh đã triển khai thực hiện Chỉ thị nói trên và đã làm được một số việc sau đây:
Một là, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn bám sát những định hướng của trung ương, đồng thời gắn liền việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong từng thời điểm, tùy theo đối tượng mà chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục thích hợp. Công tác giáo dục pháp luật ở Bình Định luôn bám sát tình hình ban hành pháp luật hàng năm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật vào đời sống xã hội. Các đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự v.v... được phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Một số pháp lệnh và nghị định quan trọng cũng được tuyên truyền phổ biến kịp thời như: Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích, Pháp lệnh Thuế tài nguyên, Pháp lệnh về Phòng chống bão lụt; Nghị định 36/CP "Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị", Nghị định 49/CP
"Về xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị", Nghị định 87/CP và 88/CP trên lĩnh vực văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội...
Hai là, tuyên truyền, giáo dục chống phạm pháp - tội phạm:
Về chống phạm pháp, xây dựng mạng lưới hòa giải ở cơ sở nhằm kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Giáo dục pháp luật cho các đối tượng có tiền án, tiền sự tập trung cải tạo tại các trung tâm giáo dục lao động (ở Nghĩa Điền) và trung tâm xúc tiến việc làm (tại Phú Tài).
Về đấu tranh chống tội phạm, tham nhũng, buôn lậu. Cảng Quy Nhơn một thời là địa chỉ buôn lậu có tiếng. Để đấu tranh phòng chống tội phạm này, Bình Định đã vận động, giáo dục nhân dân vùng Cảng phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, truy bắt có hiệu quả nhiều vụ buôn lậu lớn. Tham nhũng cũng là nhóm tội được giáo dục tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống.
Ba là, tuyên truyền giáo dục thông qua hình thức tổ chức cho nhân dân tham gia
góp ý vào các văn bản pháp luật. Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để cán bộ, nhân dân tham gia ý kiến vào các văn bản pháp luật dự thảo như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình...
Ngoài các hình thức nêu trên, ngành tư pháp (Sở, các phòng tư pháp) đã biên soạn đề cương, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật.
Sau khi có Quyết định 03/1998/QĐ-TTg và chỉ thị 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 458/1998.QĐ-UB ngày 10/02/1998 "Về việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh Bình Định" (gọi tắt là Hội đồng giáo dục pháp luật). Theo quyết định này, Hội đồng giáo dục pháp luật tỉnh có 20 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên trong Hội đồng bao gồm lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan đến công tác giáo dục pháp luật như: Khối Nội chính, Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Bình Định, Đài Phát thanh truyền hình Bình Định.
Ngoài các thành viên trong Hội đồng, UBND tỉnh Bình Định cũng đã thành lập một đội ngũ báo cáo viên pháp luật của tỉnh gồm các luật gia đang công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh.
Để thực hiện Quyết định số 458/1998/QĐ-UB nói trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 01/KH-UB ngày 12/02/1998 "Về việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 ở Bình Định". Theo Kế hoạch 01/KH-UB, giáo dục pháp luật ở Bình Định 1998 - 2002 phải phấn đấu đạt các mục tiêu và yêu cầu sau:
- Về mục tiêu:
+ Nhằm từng bước nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, trật tự, kỷ cương xã hội, ngăn ngừa có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật;
+ Phổ cập kiến thức cơ bản về pháp luật cho các đối tượng thực thi pháp luật, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến từng lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa chương trình giảng dạy pháp luật vào các trường học, cấp học đi vào nề nếp và đạt hiệu quả.
+ Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ trong hoạt động giáo dục pháp luật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để đưa công tác giáo dục pháp luật đi vào nề nếp.
+ Từng bước xã hội hóa công tác giáo dục pháp luật, phát huy tính chủ động sáng tạo của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, của từng gia đình và mỗi công dân trong công tác giáo dục pháp luật và thực thi pháp luật trong đời sống thực tế.
- Về yêu cầu:
+ Hoạt động giáo dục pháp luật phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trên cả diện rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, tiến hành đều khắp trên các địa bàn, thành thị, nông thôn, miền núi.
+ Tập trung tuyên truyền những vấn đề mang tính cấp bách, thời sự trước mắt, theo từng chuyên đề, phù hợp với từng đối tượng để phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội trong từng thời kỳ của từng ngành, địa phương, cơ sở.
+ Nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục pháp luật phải sát với yêu cầu thực tế xã hội của các tầng lớp dân cư, bảo đảm được hiệu quả trong từng thời gian nhất định.
+ Gắn việc giáo dục pháp luật với việc tổ chức thực thi pháp luật trong đời sống thực tế. Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
+ Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện giáo dục pháp luật, cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm và từ điểm nhân ra diện.
Để hoạt động giáo dục pháp luật đi vào nề nếp, này 4/5/1998 UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 10/1998/QĐ-UB "Về việc ban hành qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bình Định". Kèm theo Quyết định này là Qui chế "Tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến và giáo dục pháp luật tỉnh Bình Định". Theo Quy chế, Hội đồng giáo dục pháp luật tỉnh là tổ chức tư vấn, có chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật trong phạm vi toàn tỉnh. Cũng theo quy chế này, Hội đồng giáo dục pháp luật tỉnh được chia thành nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban phụ trách công tác giáo dục pháp luật thuộc một hoặc một số ngành hay lĩnh vực nhất định, như: Tiểu ban 1, phụ trách công tác giáo dục pháp luật trong các cơ quan nhà nước; Tiểu ban 2, phụ trách công tác giáo dục pháp luật trong các tổ chức chính trị - xã hội; Tiểu ban 3, phụ trách công tác giáo dục pháp luật trong các trường học; v.v...
Sau khi Hội đồng giáo dục pháp luật tỉnh được thành lập, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Hội đồng giáo dục pháp luật tỉnh, Hội đồng giáo dục pháp luật của 10 huyện và thành phố Quy Nhơn cũng được thành lập. Đến cuối quý 3 năm 1998, 11 Hội đồng giáo dục pháp luật cấp huyện đã được thành lập với 156 thành viên và hơn 100 báo cáo viên đã được công nhận. Cuối quý 4 năm 1998, Hội đồng giáo dục pháp luật cấp xã cũng thành lập xong với 1450 thành viên và hơn 1000 báo cáo viên được công nhận.
Công tác giáo dục pháp luật ở Bình Định trong thời gian qua, nhất là từ sau khi có Quyết định 03/1998/QĐ-TTg và Chỉ thị 02/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực:
- Các cấp các ngành đã coi công tác giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Từ đầu 1999, Hội đồng giáo dục pháp luật ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã đã được thành lập.
- Nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và căn cứ theo tình hình nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
- Việc giáo dục pháp luật được tiến hành bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các câu lạc bộ, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền miệng...
- Biên soạn, in ấn các tài liệu, tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng ở từng ngành, địa phương...
Bên cạnh một số chuyển biến đáng kể nói trên, công tác giáo dục pháp luật ở Bình Định còn nhiều hạn chế:
- Sự phối hợp giữa các thành viên trong Hội đồng giáo dục pháp luật từ tỉnh,