Những đặc trưng của cán bộ, công chức ở Bình Định 1 Vài nét khái quát về Bình Định

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bình Định Thực trạng và giải pháp docx (Trang 31 - 33)

2.1.1. Vài nét khái quát về Bình Định

Bình Định là một tỉnh nằm giữa vùng duyên hải miền Trung Trung bộ. Phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía tây giáp tỉnh Gia Lai, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía đông giáp biển Đông. Diện tích và dân số Bình Định thuộc loại trung bình trong cả nước (dân số: 1.504.700 người, diện tích 6.025,6 km2) [8, tr. 6]. Cả tỉnh có 10 huyện,

trong đó có 3 huyện miền núi

và thành phố Quy Nhơn (đô thị loại II). Hiện nay Bình Định có 152 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 126 xã, 16 phường và 10 thị trấn. Trong 126 xã có 28 xã miền núi, trong 28 xã miền núi có 16 xã vùng cao, có 4 xã đảo và bán đảo [5, tr. 1]. Cả tỉnh hiện có 32 dân tộc anh em chung sống, chủ yếu là dân tộc kinh, Bana, Chăm, Hrê, Hán, Thái, Tày. Số còn lại không đáng kể, mới đến Bình Định những năm gần đây di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào [7, tr. 39-40.

Bình Định đã từng là đế đô của vương quốc Chàm và là cố đô của triều Tây Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đầu tháng 3/1930 chi bộ Đảng đầu tiên ở Bình Định đã được thành lập tại Nhà máy Đèn Quy Nhơn "Thời gian lập chi bộ khoảng từ 8-10/3/1930" [43, tr. 41]. Trong Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bình Định đã khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh vào ngày 23/8/1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Bình Định là vùng giải phóng của ta (thuộc liên khu V). Mặc dù bị địch đánh phá, càn quét, lấn chiếm rất ác liệt nhưng quân và dân Bình Định vẫn giữ vững vùng giải phóng. Bình Định trở thành một trong những vùng căn cứ địa vững chắc của cách mạng ở khu vực miền Trung - Tây nguyên, nơi cung cấp nhân, tài, vật, lực cho kháng chiến.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền: Nam - Bắc. Để chuẩn bị lực lượng cho lâu dài, Bình Định đã đưa một lực lượng khá lớn tập kết ra Bắc gồm 10.700 người, trong đó có một lực lượng không nhỏ là học sinh. Số cán bộ và học sinh Bình Định tập kết ra Bắc chiếm hơn một nửa của toàn khu V "Theo Nam Trung bộ kháng chiến (1945 - 1975)" xuất bản năm 1992 và 1995, số người tập kết toàn khu gần 20.000 người [44, tr. 9]. Ngoài lực lượng tập kết ra Bắc, số cán bộ được cử ở lại (quần kết) là 1112 đảng viên, trong đó có 223 cán bộ "bất hợp pháp" phải "cải trang" hoặc đổi vùng để hoạt động. Trước khi tập kết, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 3129 quần chúng cốt cán (cơ sở cách mạng).

Sau 1954, Mỹ - Ngụy phá hoại Hiệp định Giơnevơ và thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhân dân miền Nam Việt Nam đã vùng dậy đấu tranh giải phóng quê hương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định đã có hơn 50.000 người thoát ly (lên căn cứ) tham gia kháng chiến, 25.000 người khác bị địch bắt bớ tù đày, trong đó có hơn 1 vạn người bị giam cầm ở hầu hết các nhà tù của Mỹ - Ngụy ở miền Nam Việt Nam (theo số liệu của Ban liên lạc tù Chính trị tỉnh Bình Định).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi nhưng chiến tranh cũng đã để lại cho nhân dân miền Nam nói chung, Bình Định nói riêng nhiều mất mát, đau thương "tính đến 31/12/1995, Bình Định có 1.318 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 36 Anh hùng, 29.518 liệt sĩ, 17.412 thương binh. Cả tỉnh 67.929 đối tượng chính sách" [44, tr. 289].

Sau 27 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bình Định đang đi vào thời kỳ xây dựng quê hương.

Bình Định là vùng đất tuy xa các trung tâm kinh tế, các đô thị lớn (cách Hà Nội 1100 km, cách thành phố Hồ Chí Minh gần 800 km) nhưng là cửa ngõ của khu vực miền Trung Tây nguyên. Bình Định có đường sắt, đường bộ xuyên Việt chạy dọc theo chiều dài của tỉnh, có Quốc lộ 19, nối cảng Quy Nhơn với Tây Nguyên - Nam lào và Đông Bắc Campuchia. Sân bay Phù Cát là cửa ngõ hàng không nối Bình Định với các thành phố lớn trong cả nước và quốc tế. Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (đào tạo giáo viên và liên

kết đào tạo với nhiều ngành khác) và tương lai gần sẽ là "Đại học Quy Nhơn", nơi đào tạo nhân tài cho khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Bình Định có khu công nghiệp Phú Tài đã đi vào hoạt động và tương lai sẽ có thêm khu công nghiệp Nhơn Hội. Các cơ sở này sẽ là động lực tạo đà cho Bình Định đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy Bình Định phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội... Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người của Bình Định là 320 USD/người/năm. Tổng sản phẩm của Bình Định (tính theo giá thực tế) năm 2001 là gần 5000 tỷ đồng [8, tr. 13].

Với những số liệu trên đây cho thấy, đất nước và con người Bình Định, ngoài những nét chung của khu vực ven biển miền Trung, Bình Định còn mang những nét đặc thù riêng có của quê hương "Tây Sơn", nơi khởi nguyên của phong trào "Cờ đào áo vải" năm xưa và là nơi cùng với miền Nam cháy lên ngọn lửa "Đồng khởi" (Vĩnh Thạnh) năm 1959, Bình Định, mảnh đất có nhiều nét đặc thù về địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa... của khúc ruột miền Trung.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bình Định Thực trạng và giải pháp docx (Trang 31 - 33)