Nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại của công tác giáo dục pháp luật trong những năm qua, hiện nay công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào Chăm cần giải quyết được những yêu cầu sau:
Một là, giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận phải được
thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm thiết thực, và thường xuyên. Nội dung và hình thức giáo dục pháp luật phải phù hợp với trình độ dân trí, phải có qui định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, lợi ích gắn trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt, làm ăn của họ. Bởi vậy, cần nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cộng đồng dân tộc ít người nói chung, cộng đồng người Chăm nói riêng để từ đó xác định nội dung pháp luật cần phổ biến, chú ý sử dụng những chủ thể giáo dục pháp luật biết tiếng Chăm, phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên.
Hai là, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm cần
hướng vào việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Đây có thể nói vừa là yêu cầu vừa là biện pháp thực hiện công tác giáo dục pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là làm cho mỗi người dân trên cơ sở có những hiểu biết nhất định về các qui định của pháp luật gắn liền với cuộc sống của họ. Làm cho họ nhận thức được rằng, pháp luật được ban hành là để bảo vệ các quyền và tự do chân chính của công dân, đảm bảo an ninh xã hội, an toàn cho mỗi người để từ đó khơi dậy tính tự giác nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của mỗi người dân, làm sao để người dân tiếp cận với pháp luật, tìm hiểu pháp luật và thực thi pháp luật với tư cách là chủ thể năng động, tích` cực trong các quan hệ pháp lý cụ thể. Điều này đòi hỏi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật và tiến hành ngay từ cơ
sở, từ khu dân cư, từ mỗi gia đình đến từng cá nhân. Vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở cần phải được phát huy hơn nữa trong việc tham gia giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật.
Ba là, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm
phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, từ đời sống thực tế của họ. Việc giải thích các qui định của pháp luật liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân là rất thiết thực và có hiệu quả.
Bốn là, muốn đưa luật pháp vào đời sống thực tiễn của đồng bào dân tộc ít
người nói chung, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận nói riêng đạt hiệu quả, một trong những vấn đề cơ bản đó là việc nghiên cứu, kế thừa tinh hoa trong luật tục của đồng bào dân tộc, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được sự đồng thuận xã hội trong cộng đồng dân tộc. Luật tục của người Chăm ở Ninh Thuận đã được đúc kết, chắt lọc và trở thành một nét văn hóa đặc sắc, văn hóa riêng có của dân tộc Chăm, có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội của cộng đồng người Chăm. Vì vậy, so sánh sự giống nhau, khác nhau giữa luật pháp và luật tục trên cơ sở đó vận dụng vào công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, làm thế nào để người dân dễ hiểu, dễ nhớ.
Năm là, giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm phải hướng cho họ phát
huy những truyền thống tốt đẹp của quá khứ, phát huy truyền thống cố kết cộng đồng, bảo vệ và nâng cao tính đồng thuận xã hội, hướng cho họ hiểu cộng đồng người Chăm là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời hạn chế và tiến tới xóa bỏ các luật tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới ở các làng Chăm hiện nay.
Sáu là, công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm cần gắn với
những giải pháp kinh tế - xã hội cụ thể, phù hợp với điều kiện sống của đồng bào người Chăm. Cần lồng ghép có hiệu quả công tác giáo dục pháp luật với các cuộc vận động "xóa đói giảm nghèo", "đền ơn đáp nghĩa", thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện qui ước làng xã, khôi phục vá phát huy văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng người Chăm. Cách làm này sẽ giúp người dân thấy được sự thiết thực của pháp luật.
Bảy là, giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục pháp luật cho đồng bào người
Chăm ở Ninh Thuận nói riêng cần gắn với hoạt động thi hành pháp luật. Việc giáo dục pháp luật kết hợp lồng ghép với thông tin về việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thi hành, chấp hành pháp luật có tác động tích cực đến ý thức, tình cảm, hành vi pháp luật của đối tượng được giáo dục.
3.2. Phương hướng tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào
người Chăm ở Ninh Thuận hiện nay