Người Chăm được xem là cư dân bản địa của vùng đất Ninh Thuận. Họ là chủ nhân của các quốc gia cổ đại như Lâm ấp, Chămpa cổ đại hay Chiêm Thành. Do những biến thiên của lịch sử, từ sau khi vương quốc Chămpa cổ đại tan rã (cuối thế kỷ XVII), cộng đồng người Chăm đã trở thành một bộ phận trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, người Chăm là dân tộc thiểu số có tỷ lệ dân số đông nhất (sau người Kinh) ở Ninh Thuận.
Theo kết quả điều tra dân số năm 1999, đồng bào Chăm ở Việt Nam có 132.870 người, sống rải rác từ các tỉnh dọc ven biển miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đến các tỉnh Nam bộ như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Tây Ninh. Trong đó, người Chăm ở Ninh Thuận có dân số đông nhất vào khoảng 63.300 người Chăm ở Việt Nam và chiếm 12,1% dân số trong toàn tỉnh. Người Chăm ở Ninh Thuận sống tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em ở 22 thôn thuộc 12 xã của 5 huyện thị.
Về hình thái cư trú, người Chăm thường sống tập trung ở những khu vực riêng gọi là các play Chăm (thôn hay làng) khá tách biệt, trong đó có những xã, những làng chiếm đến gần 100% dân số Chăm (như xã Phước nam - Ninh phước - Ninh thuận có 5 làng Chăm với gần 80% dân số, xã Phước Hải, Phước Hữu, Phước Thái, Phước Hậu có 3 đến 4 làng Chăm với khoảng trên 50% dân số của xã). Thông thường, mỗi play Chăm là một cộng đồng dân cư theo một tôn giáo nhất định. Nhưng đôi khi họ cũng sống xen ghép với các dân tộc khác hoặc trong cùng một làng Chăm có cư dân theo các tôn giáo khác nhau như Chăm Bàni, Chăm Bàlamôn với Chăm Islam. Đặc điểm cư trú này cùng với những yếu tố của tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần vào sự cố kết cộng đồng và bảo lưu các giá trị truyền thống của dân tộc. Điều ấy lý giải tại sao chịu sự tác động, chi phối của các luồng văn hóa khác, đặc biệt của người kinh nhưng người Chăm vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa độc đáo của mình.