dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Chăm nói riêng
Hiến pháp nước ta đã ghi nhận nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, tình trạng tài sản. Tuy nhiên, ngay cả khi pháp luật đã ghi nhận nguyên tắc về sự bình đẳng ấy thì việc sử dụng hệ thống pháp luật làm công cụ để ghi nhận, bảo vệ và mưu cầu hạnh phúc của mỗi chủ thể cũng không giống nhau. Khả năng sử dụng công cụ pháp luật của mỗi chủ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa vị chính trị, địa vị kinh tế, trình độ học vấn, kinh nghiệm sử dụng hệ thống pháp luật của chủ thể ấy... Hiện nay, trong bộ phận dân cư của Việt Nam vẫn còn nhiều đối tượng bị thiệt thòi so với những đối tượng khác trong việc tiếp cận với hệ thống pháp luật. Đó là nhóm những người có mức sống thấp, có học vấn thấp, đặc biệt là cộng đồng dân cư ở miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân hạn chế tiếp cận pháp luật của đối tượng này, trong đó nguyên nhân kinh tế là nền tảng.
Cũng như các dân tộc thiểu số khác trong công đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Chăm cũng là đối tượng mà điều kiện tiếp cận pháp luật còn hạn chế. Do điều kiện và trình độ phát triển kinh tế của các vùng người Chăm sinh sống còn phổ biến là sản xuất nhỏ, lạc hậu, tuy đời sống của người Chăm nói chung so với một số dân tộc thiểu số khác có khá hơn nhưng phổ biến vẫn là đói nghèo. Do kinh tế khó khăn, cuộc sống với những lo toan thường nhật về lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và gia đình đã thu hút hết sự quan tâm và thời gian của họ. Người dân còn chưa hiểu biết rằng chính pháp luật là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, là phương tiện giúp họ
thực hiện các quyền tự do dân chủ của mình, tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và quan trọng hơn là pháp luật giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, chương trình quốc gia với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, tạo điều kiện để các vùng nghèo mà chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (trong đó có vùng người Chăm sinh sống) thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Để hỗ trợ cho các đối tượng trên tiếp cận với pháp luật, Nhà nước đã triển khai một số hoạt động như: Thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng tủ sách pháp luật ở cấp xã... Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mặt khác, trong đời sống sinh hoạt của người Chăm, luật tục còn chi phối nặng nề, có nhiều luật tục tốt có ý nghĩa tích cực cần phát huy, nhưng cũng còn nhiều những hủ tục lạc hậu ảnh hưởng không tốt đến đời sống cộng đồng nhưng chưa được xóa bỏ. Bởi vậy, tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm là vấn đề cấp bách có ý nghĩa quan trọng.