Những tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay ppt (Trang 53 - 58)

Bên cạnh những kết quả đạt được (như đã phân tích) công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở tỉnh Ninh Thuận nói chung cũng như phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc ít người (trong đó có đồng bào dân tộc chăm) ở Ninh Thuận nói riêng vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. Đó là:

- Tác động của phổ biến giáo dục pháp luật đối với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đến trật tự kỷ cương pháp luật, đến tình trạng vi phạm pháp luật còn chưa đạt được như mong muốn. Tuy đã xác định được đặc thù của đối tượng giáo dục pháp luật, nội dung giáo dục pháp luật cũng đã có trọng tâm, trọng điểm, nhưng lại thiếu cơ chế, phương thức triển khai hữu hiệu nên chưa tạo được bước đột phá, chưa có kết quả cụ thể. Nhiều người dân nhất là nhân dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người (trong đó có vùng đồng bào Chăm) vẫn còn thiếu hiểu biết pháp luật, khó có điều kiện tiếp nhận thông tin pháp luật.

- Công tác giáo dục pháp luật trong thời gian qua chưa đều khắp còn tình trạng theo "mùa vụ, phong trào", chạy theo văn bản mới ban hành. Do đó nhìn chung hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật còn dàn trải, mới chỉ dừng lại ở bề nổi mà chưa có chiều sâu, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu năng cao ý thức pháp luật cũng như nhu cầu thông tin tìm hiểu pháp luật đối với người dân.

- Hoạt động giáo dục pháp luật thời gian qua tập trung vào một số hình thức như: phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật và chủ yếu là ở tỉnh, huyện, còn ở cấp cơ sở công tác giáo dục pháp luật chưa thành nề nếp.

- Nội dung giáo dục pháp luật chưa thật sát hợp với từng đối tượng (nhất là với đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số) vẫn chỉ nặng về phổ biến, giới thiệu văn bản chung chung, vì vậy tính thiết thực, hướng dẫn chưa cao. Hình thức giáo dục pháp luật còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn chưa phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân. Việc khai thác tìm tòi, đổi mới một cách có hiệu quả các hình thức giáo dục pháp luật khác nhau phù hợp với đặc thù địa bàn, đối tượng còn hạn chế. Chưa có nhiều hình thức để gắn kết chặt chẽ và thường xuyên công tác phổ biến giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống đạo đức, văn hóa và lối sống cho cán bộ và

nhân dân, nhất là cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn tách rời với công tác tổ chức thực hiện pháp luật.

- Công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa gắn với những giải pháp kinh tế - xã hội cụ thể phù hợp với từng địa bàn, đối tượng nhất là với đối tượng đồng bào dân tộc ít người (trong đó có đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận), chưa lồng ghép có hiệu quả trong các phong trào, các cuộc vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong việc thực hiện quy ước, khôi phục và phát huy văn hóa truyền thống, hạn chế những hủ tục lạc hậu trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân của tồn tại

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung ở Ninh Thuận cũng như phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nói riêng, trong những năm qua còn hạn chế vì nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào Chăm ở Ninh Thuận chưa có chương trình riêng mà vẫn nằm chung trong chương trình giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

- Các cơ quan chức năng chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác này vì vậy việc đưa pháp luật vào cuộc sống còn kém hiệu quả.

- Do cơ chế ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra đánh giá việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa cụ thể nên mức độ quan tâm cũng như triển khai còn hạn chế.

- Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chủ trương xã hội hóa hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Đây là một chủ trương quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, việc thu hút được nhiều chủ thể, mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia vào công tác này còn hạn chế, nhất là các tuyên truyền viên, cộng tác viên là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng và hiểu tâm lý, phong tục, tập quán của dân tộc.

- Sự chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan chức năng còn lúng túng, chưa thực sự chủ động mà còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên, chưa nhạy bén, chưa thực sự theo sát được yêu cầu và đòi hỏi bức xúc của sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời điểm, với từng nhóm đối tượng cụ thể, đặc biệt với nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy cơ chế và nội dung giáo dục pháp luật chưa thật phù hợp.

- Cán bộ chuyên trách giáo dục pháp luật còn ít. Cán bộ tư pháp thực hiện công tác giáo dục pháp luật ở địa phương (cấp huyện, xã) chủ yếu là kiêm nhiệm và không ổn định đó là chưa kể trình độ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn.

Sở Tư pháp tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm chính tổ chức công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân song lượng cán bộ làm công tác này còn mỏng, không thể làm hết trách nhiệm. Cán bộ phòng tư pháp của các huyện, thị xã trong tỉnh thường mới chỉ tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ chính quyền, ban tư pháp cấp xã mà ít có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với đối tượng. Cán bộ xã, phường là người trực tiếp sống gần dân, họ hiểu tình hình địa phương, có ảnh hưởng trong công chúng nhưng đội ngũ này chưa được chuẩn bị tốt để có thể làm tốt hơn công việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho nhân dân và điều quan trọng hơn là nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ phụ trách công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Vì vậy họ không hình dung được hết công việc mình phải làm, trách nhiệm mình phải gánh vác. Tình hình chung còn rất thụ động, chờ lãnh đạo chỉ đạo, chỉ việc mới làm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật.

- Lực lượng cộng tác viên tuy đã được quan tâm xây dựng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho lực lượng này chưa được thường xuyên. Việc huy động lực lượng cộng tác viên tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong cộng đồng trưởng thôn, trưởng họ, các chức sắc tôn giáo trong cộng đồng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Chăm ở Ninh Thuận nói riêng còn hạn chế.

- Kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn quá ít, tài liệu, sách báo chưa được trang bị đầy đủ kịp thời. Hiện kinh phí thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được đưa vào mục lục ngân sách nhà nước và do các cấp ngân sách chủ động thực hiện song trên thực tế xuất phát từ điều kiện Ninh Thuận là tỉnh còn nghèo, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc đầu tư kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế. ở Ninh Thuận, một trong những công cụ và hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả là thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, tuy nhiên vì khó khăn về kinh phí nên một số xã hệ thống truyền thanh đã qua thời gian dài sử dụng xuống cấp không đáp ứng phủ kín địa bàn và không bảo đảm thời lượng phát sóng...

Kết luận chương 2

Từ sự phân tích đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa- xã hội, phân tích thực trạng giáo dục pháp luật nói chung ở Ninh Thuận, cũng như giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận nói riêng cho thấy:

-Đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hóa- xã hội, tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm ở Ninh Thuận ảnh hưởng đến công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận là một thực tế khách quan. Để công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận đạt hiệu quả cần phải nghiên cứu, đánh giá đúng đắn những thuận lợi, khó khăn để tìm ra giải pháp thích hợp cho công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận.

- Thực trạng giáo dục pháp luật nói chung ở Ninh Thuận và thực trạng giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở Ninh Thuận cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. Bởi vậy, việc đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân của nó phải hết sức khách quan, chính xác từ đó mới có cơ sở đề ra phương hướng và giải pháp cơ bản để tăng cường giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay.

Chương 3

Phương hướng và giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho đồng bào người chăm

ở tỉnh ninh thuận hiện nay

3.1. những Yêu cầu của công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho đồng bào người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay ppt (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)