Ninh thuận là tỉnh cực Nam Trung Bộ có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, nằm trên trục giao lưu chính giữa miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận còn phía Đông giáp biển Đông.
So với các tỉnh khác, Ninh Thuận là vùng đất khá đặc biệt của nước ta, có diện tích tự nhiên 3.427 km2 được chia làm ba vùng rõ rệt: Vùng ven biển, vùng đồng bằng, vùng miền núi cao, trong đó, địa bàn miền núi chiếm khoảng 2/3 diện tích. Là địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, khô hạn nhất trong cả nước nhưng Ninh Thuận lại là nơi thích hợp với việc trồng nho, giàu tiềm năng thủy sản, dịch vụ du lịch... Ninh Thuận có 29 xã miền núi, vùng cao với tổng diện tích tự nhiên 257.844 ha, trong đó đất nông nghiệp 31.790 ha được chia thành 3 khu vực có địa hình khác nhau: Khu vực I có 4 xã, khu vực II có 10 xã và khu vực III có 15 xã, trong đó có 18 xã đặc biệt khó khăn về kinh tế, văn hóa xã hội.
Khu vực cư trú của người Chăm ở Ninh Thuận trong vùng nhiệt đới gió mùa, với mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Mùa mưa trùng với mùa gió đông nam (gió nồm), kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, thời gian còn lại trong năm là mùa khô với nhiều đợt gió mùa đông bắc lạnh và khô. Nhiệt độ bình quân khoảng 270C, lượng mưa đạt 900 -1.000 mm/ năm. Số giờ nắng 2.600 - 2.700 giờ trong năm và độ ẩm tương đối 77 - 78% [11].
Với khí hậu khô hạn, địa hình dốc, núi đá trọc, Ninh Thuận chỉ có một con sông chảy qua là sông Dinh. Nước chỉ có vào mùa mưa và khô cạn vào mùa khô, khu vực đồng bào Chăm sinh sống chủ yếu là đất trống, cây bụi, đó là vùng đất cằn cỗi, khô hạn, nóng bức làm hạn chế rất nhiều đến việc canh tác và các hoạt động kinh tế của người Chăm. Chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã tác động rất lớn đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người chăm, tạo thành mối gắn kết cộng đồng cao, cùng đoàn kết, chung sức vượt qua điều kiện khó khăn để tồn tại.