phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến thời điểm hiện tại thì Việt Nam có rất nhiều đạo luật, Pháp lệnh, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thực hiện... song hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn trực tiếp và phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra lại chưa đầy đủ; một số văn bản pháp luật có đề cập nhưng mới chỉ dừng lại ở một số góc độ nhất định như: quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nguyên tắc, đường lối xử lý, việc áp dụng hình phạt... trong Chương X Bộ luật hình sự hoặc Bộ luật TTHS cũng quy định nhưng chỉ quy định thủ tục về những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
Ngoài ra Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Pháp lệnh, Thông tư hướng dẫn... có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra như Nghị định 142/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 về trường giáo dưỡng, Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 24/11/2003 về giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 2/7/2002. Đặc biệt năm 1998 Chính phủ có ban hành Nghị quyết 09/CP về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, trong đó có đề án 4 về đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Đây là một văn bản pháp có quy định cụ thể đầu tiên về công tác đấu tranh phòng chống một loại tội phạm.
Tuy nhiên khi nghiên cứu tất cả những văn bản nêu trên thì việc quy định cụ thể trách nhiệm, sự phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp cũng như thủ tục tiến hành trong
phòng ngừa và điều tra đối với loại tội phạm do người chưa thành niên gây ra cũng chỉ đề cập ở một vài góc độ nhất định như việc nhận diện đối tượng, trách nhiệm chung của các bộ, ngành, các cấp, thời gian thực hiện,... chưa quy định cụ thể chủ thể nòng cốt là lực lượng nào, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi thực hiện, nên ít nhiều đã gây khó khăn vướng mắc cho lực lượng trực tiếp tiến hành công tác này hoặc trong nhiều trường hợp đã có sự đùn đẩy trách nhiệm trong hoạt động phòng ngừa dẫn đến kết quả đạt được chưa cao. Vì vậy để công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra đạt kết quả cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện những quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phòng ngừa loại tội phạm này. Đây cũng là cơ sở đầu tiên quyết định hiệu quả công tác phòng ngừa và điều kiện thuận lợi để các chủ thể thực hiện tốt chức năng của mình. Nội dung cần bổ sung, hoàn thiện một số vấn đề sau:
Để xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng, xã hội cũng như cá nhân trong việc tham gia công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra đạt hiệu quả, Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; Nghiên cứu xây dựng Bộ luật hành chính để thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Bộ luật tố tụng hành chính để kịp thời đáp ứng trong giai đoạn hiện nay; hoàn thiện những quy định của pháp luật quy định về công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội và các văn bản mang tính pháp quy khác có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm này. Đối với cấp tỉnh như: UBND tỉnh, Công an tỉnh căn cứ văn bản pháp quy của cấp trên để ban hành bổ sung một số văn bản phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương như: Quyết định, chỉ thị, hướng dẫn, quy chế trong thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Trong các văn bản nói trên xác định rõ một số nội dung sau:
+ Quy định rõ phạm vi, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cơ quan công an, các đoàn thể, các ngành, các cấp và mọi công dân trong công tác phòng ngừa; ngoài ra cũng quy định trách nhiệm đối với những chủ thể không thực hiện nhiệm vụ của mình.
+ Xác định những hình thức và biện pháp cần thiết cho các chủ thể tiến hành quản lý, giáo dục đối với những người chưa thành niên đi trường giáo dưỡng về, đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn; các biện pháp cụ thể này phải phù hợp
với lĩnh vực hoạt động của các chủ thể kể cả các biện pháp về hành chính, kinh tế, giáo dục...
+ Song song với các biện pháp quản lý, giáo dục cũng phải xác định rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi cho các em, có ý thức đấu tranh với các hành vi xâm phạm đến quyền lợi và nghĩa vụ của các em. Khi phát hiện các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, nghĩa vụ của các em cần phải báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để có hình thức xử lý tạo ra lòng tin cho các em đối với mọi người và với cơ quan bảo vệ pháp luật.
+ Xác định mối quan hệ giữa các chủ thể trong công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành, cấp dưới và cấp trên, giữa ngành ngang và ngành dọc... để tránh sự trùng chéo dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi thực hiện.
+ Xác định cơ chế đảm bảo trong phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra. Trong đó đặc biệt coi trọng cơ chế đảm bảo và mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan công an với cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng, đoàn thể xã hội.
+ Quy định cụ thể về chế độ thông tin báo cáo giữa các chủ thể với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới; quy định về công tác tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm theo mỗi đợt hoặc theo tháng, quý, năm đối với công tác phòng ngừa tội phạm do người chưa thành niên gây ra.
+ Xác định trách nhiệm pháp lý, hình thức xử lý đối với các chủ thể không thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên. Trong đó cần có những chế định cụ thể, rõ ràng để các chủ thể biết và có ý thức thực hiện nhiệm vụ của mình.