dục pháp luật cho đồng bào Khơme của chính quyền cấp xã ở tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua
* Nguyên nhân của những ưu điểm
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã ở tỉnh Trà Vinh đạt được những hiệu quả nêu trên là do nhiều nguyên nhân, song phải kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, các cấp uỷ đảng, đặt biệt là sự lãnh đạo kịp thời của Đảng uỷ cấp xã đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, chính quyền cấp xã chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cũng như đội ngũ cán bộ thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật bên cạnh công tác chuyên môn được giao.
Thứ hai, mặc dù phải thực hiện nhiều nhiệm vụ (12 nhóm nhiệm vụ) nhưng cán bộ Tư pháp xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo chính quyền cấp xã trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp hoạt động này mang lại hiệu quả cao hơn.
Thứ ba, có sự chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ trong việc xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, huyện và Sở Tư pháp trong việc tổ chức tập huấn công tác chuyên môn cho cán bộ tư pháp trong đó có công tác giáo dục pháp luật.
Thứ tư, chính quyền cấp xã đã có sự quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng là quản lý nhà nước ở cơ sở, kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả thiết thực.
* Nguyên nhân của những hạn chế
Những kết quả đạt được trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã cho đồng bào Khơme tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua như đã được trình bày ở các phần trước là thành tích đáng khích lệ cho địa phương. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vai trò giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã vẫn còn những hạn chế cần khắc phục xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:
Thứ nhất, do chưa có nhận thức thống nhất, đúng và đầy đủ về công tác giáo dục pháp luật nên chính quyền cấp xã ở một số nơi của Trà Vinh còn xem nhẹ công tác này và chưa thấy hết được ý nghĩa to lớn của hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật. Do đó, chính quyền cấp xã chưa có cơ chế, biện pháp tổ chức thực hiện khoa học kịp thời công tác giáo dục pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Thứ hai, do chưa có hệ thống văn bản mang tính pháp lý cao, cụ thể về cơ chế, chính sách về nhiệm vụ giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã. Chưa có chế độ phụ cấp cho đội ngũ truyên truyền viên pháp luật, nhất là truyên truyền viên không chuyên hợp lý. Chưa có sự quan tâm thoả đáng về các điều kiện vật chất bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã.
Thứ ba, do chưa có chương trình, nội dung giáo dục pháp luật mang tính định hướng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khơme nói riêng.
Thứ tư, một nguyên nhân không kém phần quan trọng là kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã. Hầu hết cán bộ chính quyền cấp xã chỉ được đào tạo, tập huấn về công tác chuyên môn, chưa được bồi dưỡng có hệ thống về kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền. Chính sự hạn chế về trình độ nên công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, khả năng truyền thụ của cán bộ chính quyền cấp xã còn yếu, số ít cán bộ làm công tác tuyên truyền nói tiếng Khơme không nhiều không truyền đạt được hết nội dung của các quy định của pháp luật.
Thứ năm, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật cấp xã thành lập được ở 78/102 xã, phường, thị trấn với 792 thành viên, đạt 80% [39]. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động Hội đồng phối hợp cấp xã chưa cao do sự phối hợp, kiểm tra giữa các thành viên của Hội đồng còn lỏng lẻo, công tác hỗ trợ chuyên môn chưa kịp thời và thường xuyên.
Thứ năm, do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở cấp xã còn quá hạn hẹp, trung bình hàng năm được cấp từ 2-3 triệu đồng/năm, do đó không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, hiệu quả không cao, chưa khuyến khích được đội ngũ cán bộ làm công chức chính quyền cấp xã làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Thứ sáu, do quan niệm, tập quán, thói quen sinh hoạt và sản xuất của đồng bào Khơme còn nhiều nét lạc hậu, sống an phận, khép kín với giáo lý nhà Phật trong phạm vi phum, sóc, ít giao lưu với bên ngoài. Vì vậy, việc đưa pháp luật vào đời sống của đồng bào Khơme gặp rất nhiều khó khăn.
Kết luận chương 2
Từ đặc điểm về tự nhiên, kinh tế, xã hội, thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme của chính quyền cấp xã ở tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua cho thấy:
Đại bộ phận đồng bào Khơme đời sống vẫn còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp, cư trú ở những vùng đất giồng cát kém màu mỡ, giao thông đi lại khó khăn nhưng với sự nỗ lực của chính quyền cấp xã hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme ở Trà Vinh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy vậy, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã cho đồng bào Khơme vẫn còn nhiều bất cập về nội dung và phương pháp truyền đạt. Do trình độ đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa có cán bộ chuyên làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, kinh phí hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra, tình hình vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào Khơme
vẫn còn diễn ra. Do đó, cần phải có những giải pháp mang tính hệ thống nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã trong thời gian tới.
Chương 3
Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của chính quyền cấp xã trong hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme ở tỉnh Trà Vinh hiện nay