quyền cấp xã cho đồng bào Khơme ở Trà Vinh trong thời gian qua
Bên cạnh những thành tích đạt được, thời gian qua hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã vẫn còn những tồn tại sau:
Thứ nhất, đối với chính quyền cấp xã.
Với vai trò, chức năng là cơ quan quản lý nhà nước ở cấp cơ sở, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ của chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, do trình độ cán bộ của chính quyền cấp xã còn hạn chế, số lượng được đào tạo chuyên môn không nhiều (chiếm 17,46%), còn nặng về công tác quản lý nhà nước, nên công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa được chú trọng.
Mặt khác công tác phổ biến giáo dục pháp luật được giao cho cán bộ tư pháp xã nhưng đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã ở Trà Vinh hầu như chưa được đào tạo về chuyên môn luật. Hiện nay có khoảng 22/102 cán bộ tư pháp xã đang học lớp trung cấp luật do Sở Tư pháp kết hợp với Trường Chính trị tỉnh mở [39]. Từ hạn chế về
chuyên môn cộng với phải thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ về công tác hộ tịch - tư pháp ở cấp xã nên công tác tuyên truyền pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, kế hoạch tuyên truyền xây dựng còn sơ sài và còn mang tính thời vụ.
Cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là những người Khơme chưa nhiều hoặc là người biết nói viết tiếng Khơme lại càng ít và chưa được bồi dưỡng tập huấn thường xuyên. Chính quyền cấp xã chưa chủ động trong việc phối kết hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức này, nơi tập hợp các đối tượng giáo dục pháp luật rất phong phú.
Về kinh phí tuy được sự hỗ trợ nhiệt tình từ ngân sách địa phương trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/ năm, nhưng vẫn không đáp ứng được các mục tiêu về giáo dục pháp luật được đặt ra hàng năm như tình hình thực tế hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật.
Cơ sở vật chất: Toàn tỉnh Trà Vinh hiện nay, có 102 xã, phường, thị trấn nhưng chỉ có 17 xã có trụ sở được xây dựng khang trang, 61 xã có trụ sở làm việc nhưng đã xuống cấp trầm trọng, phải xây dựng lại, 24 xã trụ sở làm việc còn tạm bợ [38]. Sự khó khăn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã.
Thứ hai, về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật mặc dù đã được đổi mới cho phù hợp với đối tượng là đồng bào Khơme sống ở những vùng khác nhau. Song nhìn chung chính quyền cấp xã thường chú ý đến các văn bản luật chưa quan tâm đến các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là văn bản của các Bộ, văn bản liên tịch giữa các Bộ và văn bản giáo dục pháp luật của chính quyền địa phương. Trong các buổi phổ biến, giáo dục pháp luật nặng về việc phổ biến văn bản mới, thông tin một chiều, chưa có sự trao đổi giữa người phổ biến và người nghe để các quy định của pháp luật được làm sáng tỏ hơn.
Cho đến nay công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, chưa có chương trình, kế hoạch hay nội dung giáo dục pháp luật mang tính chuyên đề dành riêng cho người Khơme; hơn nữa những sách, băng cassette, tài liệu in ấn vẫn là ngôn ngữ phổ thông, chỉ có một số ít tờ rơi bằng tiếng dân tộc Khơme do Bộ Tư pháp phát hành, nhưng kênh chữ nhiều hơn kênh hình nên chưa thu hút được sự chú ý, nên phần lớn người dân tộc Khơme không tiếp thu được làm hạn chế tính hiệu quả của pháp luật.
Trên thực tế từ cấp tỉnh, huyện đến cho đến xã chưa tổ chức được những buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật riêng cho đồng bào Khơme. Toàn bộ các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật trong tỉnh đều tổ chức chung cho các đối tượng và tuỳ vào số lượng đối tượng nào chiếm số đông thì nhấn mạnh vào nội dung và phương pháp cụ thể đã được xây dựng sẵn.
Thứ ba, về hình thức phổ biến giáo dục pháp luật.
Chính quyền cấp xã đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật nhưng nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao và chưa đáp ứng được những yêu cầu mà đối tượng muốn tìm hiểu.
Hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, rập khuôn như tuyên truyền qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn hay các buổi sinh hoạt do các tổ chức đoàn thể tổ chức chưa sát với yêu cầu, trình độ của đối tượng trong các buổi sinh hoạt, cuộc họp đó. Tổ chức các buổi họp, hội nghị hoặc tập huấn, giúp cho các bộ tuyên truyên chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phương pháp chu đáo nhưng hình thức này có điểm hạn chế là trong một thời gian ngắn mà có quá nhiều nội dung được đưa đến đối tượng làm cho họ dể bị nhầm lẫn giữa các quy định. Đối với hình thức lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể thì nội dung được truyền đạt được xác định có trọng tâm gắn với quyền và nghĩa vụ của các hội viên. Nhưng thông thường chương trình giáo dục pháp luật thường được tiến hành vào cuối buổi sinh hoạt, thời gian ngắn, đối tượng đã mệt mỏi nên khả năng tiếp nhận thông tin cũng bị ảnh hưởng.
Hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tuy được tổ chức định kỳ, tương đối đa dạng, nhưng thời lượng dành cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật ngắn và còn bị lồng ghép với các chương trình khác nên chưa thu hút sự chú ý của đồng bào Khơme. Mặt khác, các chương trình đó vẫn ở dạng tiếng phổ thông, riêng đối với chuyên mục bằng tiếng dân tộc Khơme dành cho hoạt động tuyên truyền pháp luật hầu như chưa được quan tâm thực hiện. Với thời lượng phát sóng ngắn cộng với trình độ văn hoá thấp, dẫn đến việc tiếp thu các thông tin tuyên truyền trên báo, đài chưa được trọn vẹn và đầy đủ.
Đối với hệ thống truyền thanh ở cơ sở, mặt dù đã được trang bị ở 100% số xã, nhưng chưa được chính quyền cấp xã khai thác triệt để hiệu quả. Việc phát thanh các chương trình giáo dục pháp luật được ghi âm sẵn ở một số xã chưa được tiến hành thường xuyên, lịch phát sóng chưa đúng với quy định chung về thời gian phát sóng.
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý của Tư pháp xã còn quá ít đối tượng đến liên hệ, điều đó chứng tỏ hoạt động tư vấn pháp luật ở cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân địa phương.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động thực tiễn của chính quyền cấp xã như qua công tác tài chính, văn hoá, dân số, địa chính... đã đáp ứng được nhu cầu của từng người. Tuy nhiên, do hình thức này được thực hiện trong phạm vi hẹp cộng với sự hạn chế về nghiệp vụ tuyên truyền của cán bộ làm công tác chuyên môn, đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến nội dung cần truyền đạt.
Đối với hình thức tuyên truyền thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hoá của đồng bào Khơme do các vị sư sãi ở chùa đảm nhiệm bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức này còn mang nặng tính tự phát, xuất phát từ sự tự nguyện của các sư sãi, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền cấp xã với nhà chùa để có kế hoạch tuyên truyền mang lại hiệu quả cao hơn.
Trên đây là những hạn chế chủ yếu trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã ở tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của kế hoạch giáo dục pháp luật của toàn tỉnh đã đề ra.