hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme của chính quyền cấp xã
Điều kiện tự nhiên: Trà Vinh là một tỉnh đồng bằng ven biển Tây Nam Bộ, nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu của hệ thống sông Cửu Long. Phía Đông - Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, phía Tây - Tây Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông - Đông Nam giáp biển Đông.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 2.215,67 km2, chiếm 5,65% diện tích vùng đồng
bằng sông Cửu Long. Phần lớn là đất nông nghiệp với 182.000 ha, chiếm 81,79%; đất lâm nghiệp có rừng với 5.670 ha, chiếm 2,55%; đất chuyên dùng với 8.986 ha, chiếm 4,04%; đất ở 3.213 ha, chiếm 1,44%.
Toàn tỉnh Trà Vinh có 7 huyện, 01 thị xã với 102 xã, phường, thị trấn (84 xã, 09 phường, 09 thị trấn). Dân số đến cuối năm 2005 là 1.028.300 người; mật độ dân
số 464 người/km2; 87,09% dân số sống ở vùng nông thôn.
Với 30% dân số là đồng bào Khơme, sống xen kẽ với đồng bào Kinh và Hoa trên hầu hết các xã, phường trong toàn tỉnh. Trong đó có 39 xã, phường có người Khơme sinh sống và tập trung chủ yếu ở 5 huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Tiểu Cần và Cầu Kè. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, người Khơme ở các huyện thị được phân bố như sau:
Bảng 2.1: Sự phân bố người Khơme ở các huyện trong tỉnh [14]
Huyện, thị Dân số Người Khơme Tỉ lệ (%)
Thị xã Trà Vinh 90.700 18.104 19,96
Huyện Càng Long 168.856 9.413 5,57
Huyện Duyên Hải 91.450 14.954 16,35
Huyện Tiểu Cần 110.915 34.967 31,5
Huyện Cầu Kè 123.305 38.132 30,9
Huyện Cầu Ngang 136.386 47.768 35,02
Huyện Châu Thành 143.107 41.971 29,39
Huyện Trà Cú 163.205 99.463 60,9
Tổng số 1.028.014 304.772 30
Tuyệt đại đa số đồng bào dân tộc Khơme thuộc thành phần lao động sản xuất nông nghiệp mang tính chất sản xuất nhỏ “tiểu nông”, trình độ mặt bằng dân trí thấp, lại sản xuất trong những điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn. Trong 39 xã, phường có đông đồng bào dân tộc Khơme sinh sống có 62.086,1 ha đất nông nghiệp, chiếm 57,8% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, nhưng phần lớn đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, bạc màu hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, giao thông không thuận tiện một năm chỉ làm được từ 01 đến 02 vụ lúa, năng suất rất thấp. Đồng bào dân tộc Khơme sản xuất chủ yếu độc canh cây lúa nên đời sống hết sức khó khăn.
Kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân 5 năm tăng 11,64%, giai đoạn 2000 - 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng giá trị nông nghiệp , tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đến cuối năm 2005, tỷ trọng giá trị nông -lâm - nghiệp còn 55,87%, công nghiệp - xây dựng:17,72%, dịch vụ 26,41% (Chỉ tiêu: tăng trưởng GDP 12%; giá trị nông - lâm - ngư nghiệp 60,26%; công nghiệp và xây dựng 14%; dịch vụ 25,74%)[47, tr.17]
Nông nghiệp: tập trung phát triển theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo được một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành vùng tập trung chuyên canh. Tỉnh đã quan tâm phát triển một số loại cây trồng, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của từng vùng và có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, đồng thời đã đưa vào thử nghiệm một số loại cây trồng, có năng suất cao, chất lượng tốt. Chăn nuôi phát triển khá nhanh theo hình thức công nghiệp và quy mô trang trại, tổng số đàn gia súc tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp được mở rộng. Năng lực sản xuất của ngành thuỷ sản tiếp tục được tăng cường, năng lực chế biến xuất khẩu tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được tăng cường và thực hiện có kết quả. Chương trình nâng cấp hệ thống thuỷ lợi nội đồng và chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây khác đang được đẩy mạnh.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: tăng trưởng cao, bình quân hàng năm đạt 16,23%. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được xây dựng mới, mở rộng về quy mô, nhiều doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả đầu tư (Công ty Trà Bắc, công ty thuỷ sản Cửu Long...). Riêng khu công nghiệp Long Đức (Thị xã Trà Vinh) thu hút được 4 dự án đầu tư, trong đó có 2 dự án FDI với vốn đăng ký ban đầu là 2 triệu USD. Phát triển được một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu như bánh tráng, chả cá, cá fille, nhân hạt điều... Tiểu thủ công nghiệp đã phát triển khá: dệt chiếu, dệt thảm lác, sản xuất gạch, tơ xơ dừa, than gáo dừa...
Hạ tầng giao thông phát triển mạnh, đường đến trung tâm xã được tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp có 93/102 xã ô tô đến được trung tâm xã; mạng lưới điện đến 100% số xã với trên 70% số hộ ở nông thôn và trên 90% số hộ ở thị trấn, thị xã được sử dụng điện [47, tr.20].
Thương mại dịch vụ: có bước phát triển, tăng đều bình quân qua các năm 16,6%, hàng hoá lưu thông trên thị trường trong tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng. Du lịch tiếp tục phát triển, cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư mở rộng, kết quả doanh thu của ngành du lịch năm 2005 tăng hơn gấp 2 lần so với năm 2001,
lượng khách du lịch nội địa tăng 1,5 lần. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 66,91% so với mục tiêu đề ra nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân hàng năm 21,96%. Hoạt động bưu chính, viễn thông có bước chuyển biến mạnh trong việc hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần nâng số dân được sử dụng điện thoại lên bình quân 8,1 máy/100 dân.
Công tác xóa đói giảm nghèo: được được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức và biện pháp giáo dục định hướng cho hàng trăm ngàn lao động, nâng tỉ lệ thời gian lao động trong nông nghiệp lên 86,9%, nâng thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2005 là 6,3 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14% (theo tiêu chí cũ). [47, tr.28]
Vấn đề lao động, việc làm: có bước chuyển đáng kể, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 15 ngàn lao động. Công tác đào tạo nghề được quan tâm hơn; mạng lưới các trung tâm đào tạo nghề được mở rộng đến một số huyện với nhiều hình thức đào tạo nghề đa dạng.
Giáo dục - đào tạo: tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả. Quy mô các ngành học, bậc học được mở rộng; tỷ lệ học sinh huy động đến lớp đạt tỉ lệ cao; khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; chất lượng dạy và học được nâng lên, duy trì tốt kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học (80 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn); đồng thời tăng cường công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở (đã có 44 xã được công nhận). Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc luôn được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo. Đã xây dựng và thiết lập được cơ cấu hệ thống, giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khơme; quy mô giáo dục đào tạo tiếp tục tăng về số lượng nâng cao về chất lượng; cơ sở vật chất được tăng cường: toàn tỉnh có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú, năm học 2004 - 2005 ngành học mầm non có 5.826 cháu (tăng 5,11 lần so với năm học 1992 -1993), học sinh học chương trình phổ thông trong năm 1992 -1993 chỉ có 34.339 em, thì trong năm học 2004 - 2005 có 65.857 em, tăng 31.246 em (tỷ lệ tăng 47,45%). Đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên dân tộc Khơme, toàn tỉnh có 2.369 giáo viên trong đó giáo viên mẫu giáo: 140, giáo viên tiểu học: 1.260, giáo viên trung học cơ sở:
463, giáo viên trung học phổ thông: 153, cán bộ quản lý giáo dục: 180. Ngoài ra còn có 163 giáo viên chuyên dạy song ngữ và chuyên trách ngữ văn Khơme, 141 điểm chùa được trang bị sách giáo khoa để các vị sư giảng trong dịp hè [ 46].
Hoạt động khoa học - công nghệ: đã có bước phát triển, kết hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học xây dựng và đầu tư thực hiện 68 đề tài (có 5 đề tài cấp nhà nước), tổ chức nghiệm thu 46 đề tài, trong đó có 80% đề tài được đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
Công tác y tế: chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ (theo hình thức luân phiên bố trí bác sĩ ở trung tâm y tế huyện, tỉnh về xã) đẩy mạnh việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và đồng bào Khơme gần 300 ngàn lượt người/năm. Một số loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được chú trọng, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,35%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 25% [47, tr.27].
Về văn hoá - thể dục thể thao: Hoạt động văn hoá, văn nghệ thông tin báo chí tiếp tục phát triển, nhiều công trình văn hóa, phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng - các di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ và từng bước được tôn tạo. Công tác phát thanh - truyền hình, nhất là chương trình bằng tiếng Khơme được duy trì và nâng dần về chất lượng. Phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe có nhiều tiến bộ, số người tham gia thường xuyên chiếm 15,6% dân số [47, tr.27]. Đến nay 100% số hộ được phủ sóng phát thanh và truyền hình; 100% số xã được cấp phát Báo Nhân dân, Báo Trà Vinh. Công tác vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được triển khai sâu rộng ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tóm lại, toàn bộ những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội đã có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc Khơme của tỉnh Trà Vinh. ảnh hưởng trên cả hai mặt: tích cực và tiêu cực, có thuận lợi đồng thời cũng có khó khăn cho phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng bào dân tộc Khơme sống hiền hoà, chân thật, cần cù, siêng năng, là điều kiện thuận lợi
để thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố gây khó khăn như: tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm số đông, nên đồng bào Khơme còn lo lao động sản xuất để nuôi sống gia đình, ít có điều kiện tìm hiểu, quan tâm đến pháp luật. Mặt khác, đồng bào dân tộc Khơme sống hiền lành với thuyết giáo nhà Phật nên dễ an phận, cộng với mặt bằng dân trí thấp, nhận thức hạn chế nên công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn.