Tình hình đội ngũ cán bộ công chức chính quyền cấp xã của tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2004-

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy vai trò giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã cho đồng bào Khơme ở tỉnh Trà Vinh hiện nay pdf (Trang 50 - 53)

Trà Vinh nhiệm kỳ 2004-2009

Sau khi tái lập tỉnh năm 1992 Trà Vinh từng bước kiện toàn về tổ chức bổ sung nguồn cán bộ đặc biệt là cán bộ cấp xã. Theo số liệu thống kê của Sở nội vụ tỉnh Trà Vinh về chất lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn năm 2005:

Đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã: 1230 người, gồm những công chức giữ các chức danh chủ chốt và cán bộ công chức thuộc các chức danh chuyên môn.

- Các chức danh chủ chốt gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân có 510 người.

+ Trình độ học vấn: cấp I: có 2 người chiếm 0,39%, cấp II: có 128 người chiếm 25,09%, cấp III: có 380 người chiếm 74,5%.

+ Trình độ lý luận: Trung cấp chính trị: có 292 người chiếm 57,25%, cao cấp chính trị: có 48 người chiếm 9,41%, cử nhân chính trị: có 10 người chiếm 1,96%, số còn lại chưa qua các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị.

+ Trình độ chuyên môn: Sơ cấp: có 25 người chiếm 4,90%, trung cấp: có 38 người chiếm 7,45%, đại học có 8 người chiếm 1,56%, số người chưa qua các lớp đào tạo về chuyên môn là 439 người chiếm 86,09%.

+ Về cơ cấu: Cán bộ là người dân tộc Khơme là 83 người chiếm 16,27% trong tổng số cán bộ công chức cấp xã.

+ Về độ tuổi: có hơn 80% cán bộ giữ các chức danh chủ chốt có độ tuổi trên 45.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã là những người ưu tú nhất của Đảng ở chính quyền cơ sở. Phần đông họ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một bộ phận là bộ đội xuất ngũ hoặc họ là những người đã từng tham gia công tác trong các cơ quan nhà nước nên họ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt thực sự gắn bó với cơ sở. Tuy vậy, nhiều lúc, nhiều nơi vẫn còn tình trạng biểu hiện quan liêu, cửa quyền làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã.

Số người có trình độ học vấn bậc tiểu học tuy không nhiều nhưng vẫn còn tồn tại, số người có trình độ văn hoá trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy, trình độ học vấn phổ thông của cán bộ chủ chốt như vậy đáp ứng được tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, họ chủ yếu học bổ túc văn hoá, học không liên tục, thiếu tính hệ thống nên đã ảnh hưởng không ít đến năng lực tiếp thu và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nói riêng. Hầu hết số cán bộ chủ chốt có trình độ thấp đều rơi vào các xã vùng sâu có đông đồng bào Khơme sinh sống. Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, không chỉ riêng công tác truyên truyền pháp luật mà ngay cả trong việc quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết định, chỉ thị của cấp trên cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã còn thiếu tính chủ động, khả năng cụ thể hoá để triển khai trên thực tiễn của họ rất hạn chế. Chính sự yếu kém về năng lực đã cản trở việc nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Trình độ học vấn thấp dẫn đến hạn chế trong việc giải quyết công việc hàng ngày.

Hạn chế lớn nhất của đội ngũ các bộ chủ chốt chính quyền cấp xã vẫn là trình độ chuyên môn. Hầu hết cán bộ chủ chốt chưa qua đào tạo, số lượng được đào tạo chuyên môn rất ít, trình độ sơ cấp có 4,90%, trình độ trung cấp có 7,45%, trình độ đại học có 1,96%, số người chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất cao (86,09%). Do hạn chế về trình độ chuyên môn vụ nên năng lực của đội ngũ cán bộ chủ chốt chính quyền cấp xã cũng bị hạn chế. Trong lãnh đạo điều hành công việc họ thường dựa

vào kinh nghiệm, do đó, khi có những tình huống mới, phức tạp xảy ra như giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại tố cáo... của người dân họ thường bị động lúng túng, ít đưa ra được những biện pháp giải quyết thoả đáng, trong một số trường hợp xử lý không đúng pháp luật nhưng họ không biết.

Về cơ cấu dân tộc số cán bộ chủ chốt cũng đạt tỷ lệ tương đối nhưng chưa tương xứng với tỉ lệ dân số của người dân tộc Khơme. Số người được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn cũng còn hạn chế.

- Đội ngũ cán bộ chuyên môn (văn phòng thống kê, địa chính xây dựng, tài chính kế toán, tư pháp hộ tịch, công an, quân sự, văn hoá xã hội) có 720 người.

+ Trình độ học vấn: cấp I: có 7 người chiếm 0,97%, cấp II: có 432 người chiếm 60%, cấp III: có 281 người chiếm 39,03%.

+ Trình độ lý luận: Trung cấp chính trị: có 211 người chiếm 29,30%, cao cấp chính trị: có 11 người chiếm 1,52%, cử nhân chính trị: có 7 người chiếm 0,97%, số còn lại chưa qua các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị.

+ Trình độ chuyên môn: Sơ cấp: có 33 người chiếm 4,58%, trung cấp: có 45 người chiếm 6,25%, đại học có 67 người chiếm 9,03%, số người chưa qua các lớp đào tạo về chuyên môn là 575 người chiếm 80,14%.

+ Về cơ cấu: Cán bộ là người dân tộc Khơme là 61 người chiếm 8,4% trong tổng số cán bộ công chức cấp xã.

+ Về độ tuổi: có hơn 70% cán bộ chuyên môn cấp xã có độ tuổi từ 40 trở lên, số còn lại là những cán bộ còn trẻ được tuyển dự nguồn cho cấp xã [38].

Đối với đội ngũ này về trình độ văn hoá, trình độ lý luận, trình độ chuyên môn vẫn còn thấp. Số cán bộ có trình độ cấp I và II chiếm số đông, đa số họ là những người lớn tuổi. Về trình độ chuyên môn: số cán bộ được đào tạo vẫn còn ít, mặt dù số cán bộ tốt nghiệp đại học chiếm tỷ lệ cao hơn so với các chức danh chủ chốt, nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu hiện nay của chính quyền cấp xã. Là những người trục tiếp quản lý hành chính trên các mặt, lĩnh vực của đời sống ở cơ sở, đòi hỏi đội ngũ cán bộ này phải có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực họ

công tác để giải quyết những tình huống quản lý nhà nước rất cụ thể. Nhưng với trình độ còn hạn chế nhiều mặt như trên dẫn đến hiệu quả quản lý không cao. Đa phần xử lý, thao tác nghiệp vụ còn dựa vào kinh nghiệm, nhiều trường hợp còn đùn đẩy lên cấp trên giải quyết. Với hạn chế về trình độ năng lực đã làm cho cán bộ chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác, làm ảnh hưởng đến công việc chung của chính quyền cấp xã. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như cho đồng bào Khơme nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, do sự hạn chế năng lực đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã đặt biệt là cán bộ tư pháp. Hiện nay, chỉ có khoản 20% số cán bộ tư pháp xã đang được đào tạo trung cấp luật do Trường Chính trị tỉnh và Sở tư pháp phối hợp tổ chức, số còn lại không được đào tạo do không đủ điều kiện về trình độ văn hoá và độ tuổi [39].

Nhìn chung, trình độ của đội ngũ cán bộ công chức chính quyền cấp xã vẫn còn nhiều bất cập, số người chưa qua đào tạo chuyên môn còn chiếm đa số nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ được phân công. Mặt khác, sự hạn chế về trình độ văn hoá là cản trở lớn nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức chính quyền cấp xã ở tỉnh Trà Vinh hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy vai trò giáo dục pháp luật của chính quyền cấp xã cho đồng bào Khơme ở tỉnh Trà Vinh hiện nay pdf (Trang 50 - 53)