ở Nam Bộ đồng bào Khơme là lực lượng không nhỏ trong cộng đồng người Việt Nam, chỉ tính riêng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đã có hơn 1 triệu người. Xuất phát từ tính đặc thù của từng dân tộc, đồng bào Khơme có những điểm riêng biệt về văn hoá, phong tục tập quán, trình độ văn hoá. Do đó, giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme là một bộ phận đặc thù điều đó thể hiện trên các phương diện sau:
*Về chủ thể giáo dục pháp luật
Chủ thể giáo dục pháp luật là những người mà theo chức năng nhiệm vụ phải tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Việc xác định đúng chủ thể giáo dục pháp luật có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có thể phân chia thành 2 nhóm chủ thể sau:
- Nhóm những người có kiến thức pháp luật nói chung là những người được giao trọng trách truyền tải kiến thức pháp luật đến với đồng bào Khơme đang công
tác trong hệ thống cơ quan của nhà nước ta hoặc họ là những người tự nguyện tham gia vào hoạt động giáo dục pháp luật như: cán bộ về hưu, có uy tín trên địa bàn dân cư... Dù tự giác hay bắt buộc ngoài những kiến thức pháp luật mà họ có, họ còn phải am hiểu về phong tục tập quán, kinh tế, văn hoá, tâm lý của đồng bào Khơme. Có như vậy họ mới hoà nhập vào đời sống của đồng bào Khơme để tiến hành các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả .
- Nhóm những người biết ngôn ngữ Khơme bao gồm cá nhân các vị sư sãi và cán bộ là người dân tộc ở cơ sở, hoặc họ là nhưng người đã có thời gian tu học lâu ở trong chùa nhưng đã xuất gia. Họ là những người có thời gian, uy tín, hiểu biết tâm lý, tập tục của dân tộc mình, chính điều đó giúp cho việc phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn. Trong nhóm chủ thể này đặc biệt phải chú ý vai trò của các sư sãi vì “đối với người Khơme Phật là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất - là đấng thiêng liêng nhất, sư sãi đều là những người đắp y mang bát, thay đức Phật để hoằng hoá độ sinh...”[5, tr.177]. Các sư sãi có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của đồng bào Khơme. Do đó, vị trí của nhà chùa và vai trò của sư sãi trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào dân tộc Khơme, Đảng ta đã thấy từ lâu trong kháng chiến nhà chùa không phải là nơi hành đạo đơn thuần, sư sãi không chỉ là lực lượng tu hành đơn thuần mà là nơi, là người gắn liền giữa đạo với đời, là nơi, là lực lượng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hoá tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc Khơme theo hướng tiến bộ.
Với lực lượng này cần động viên, khuyến khích, tranh thủ sự tham gia của họ vào hoạt động giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme.
* Đối tượng giáo dục pháp luật:
Đối tượng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là đồng bào Khơme. Qua khảo sát tại tỉnh Trà Vinh cho thấy đối tượng trên có những điểm sau:
Thứ nhất, người dân tộc Khơme có đời sống kinh tế thấp, sản xuất chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa, một số ít nuôi trồng thuỷ sản nhưng không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ước tính chiếm hơn 50% số hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo mới, chưa
được điều tra). Chính sự khó khăn về kinh tế đã là lực cản không nhỏ cho việc nâng cao dân trí và hiểu biết pháp luật.
Thứ hai, mọi sinh hoạt của đồng bào Khơme đều gắn với tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo.
Tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khơme rất đa dạng và phong phú, phổ biến nhất là tín ngưỡng về Arăk và Neakta. Arắk có nghĩa là thần. Không có hình dáng rõ rệt, Arăk có bổn phận bảo vệ và giữ gìn sự bình yên cho dòng họ hoặc thân chủ nào đó, được gia đình dòng họ thờ cúng gọi là Arăk Chua-bua. Song song với tín ngưỡng Arăk còn có tín ngưỡng Neakta. Neakta là một vị nam thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực. Vào tháng tư hàng năm, trong các phum, sóc người ta tiến hành cúng Neakta để cầu cho mưa thuận gió hoà, đồng ruộng tốt tươi.
Tín ngưỡng tôn giáo: đồng bào Khơme ở Nam Bộ đều theo Phật giáo Nam Tông (Phật giáo Tiểu thừa) và thờ Phật Thích Ca. Theo phong tục của người Khơme, mọi thanh niên đều phải đi tu để trả hiếu cho cha mẹ, để học chữ thành người trí thức và đức hạnh. Chùa Khơme không những là nơi trau dồi đạo đức mà còn là trường đào tạo văn hoá và nghề nghiệp.
Thứ ba, đồng bào Khơme có phong tục tập quán phong phú được thể hiện qua các lễ hội hàng năm được họ tham gia một cách tự nguyện và đông đủ. Mặc dù có rất nhiều lễ hội: 03 lễ hội truyền thống: lễ vào năm mới, lễ cúng ông bà, lễ cúng trăng và nhiều lễ hội Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Những lễ hội này đều mang đậm nét văn hoá riêng của đồng bào Khơme, nhưng người Khơme có quá nhiều lễ hội điễn ra trong một năm và thời gian diễn ra các lễ hội kéo dài trong nhiều ngày dẫn đến lãng phí thời gian và tiền của, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Thứ tư, người dân tộc Khơme Trà Vinh sống chủ yếu xen kẽ và tập trung thành từng cụm dân cư theo phum, sóc trên những giồng cát cao hoặc vùng sâu ngập mặn, đất đai bạc màu rất khó khăn trong canh tác. Mặc dù là cư dân trong vùng
duyên hải biển Đông, nhưng đồng bào Khơme không tiếp nhận các nguồn lợi từ biển mang đến, nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản không có sự phát triển, ngược lại yếu tố “mặn” của biển lại là sự cản trở cho sự phát triển nông nghiệp của họ.
* Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các chủ thể giáo dục pháp luật là nội dung giáo dục pháp luật. Đó là hệ thống tri thức cần thiết được truyền đạt đến cho đối tượng giáo dục pháp luật trên cơ sở hệ thống tri thức mà các đối tượng tiếp nhận và sử dụng để phân tích những sự kiện xảy ra trên thực tế mà họ thường gặp để định hướng hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật.
Do đó:
Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với đối tượng, địa bàn trên cơ sở định hướng về nội dung và chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ; chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể, hướng dẫn thực hiện các trình tự thủ tục pháp luật; gắn phổ biến pháp luật với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với các cuộc vận động các phong trào quần chúng do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động. Cần lưu ý là nội dung pháp luật được phổ biến không chỉ tập trung vào các văn bản mới được ban hành trong từng thời kỳ mà tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương, các quy định pháp luật đã có hiệu lực áp dụng cũng cần được tuyên truyền, phổ biến [8].
Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật chung cho tất cả các đối tượng là “phổ biến pháp luật về quyền tham gia quản lý Nhà nước, giám sát hoạt động của cơ quan, công chức Nhà nước, quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động, tự do kinh doanh; nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; nghĩa vụ tôn trọng vào bảo vệ tài sản toàn dân, lợi ích và quyền, nghĩa vụ cơ bản khác của công dân"[40].
Đối với đồng bào Khơme việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung vào một số nội dung cụ thể gắn với các đặc thù đã được phân tích ở phần trên:
-Trước tiên, cần giúp họ trang bị những kiến thức về luật đất đai như: thủ tục đăng ký, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê... quyền sử dụng đất; các quy định về quyền sở hữu, thừa kế của Bộ luật dân sự; các quy định về điều kiện kết hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng trong hôn nhân của Luật Hôn nhân và Gia đình, các thủ tục đăng ký hộ tịch; luật giao thông đường bộ; một số quy định về các tội như: gây rối trật tự công cộng, xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản, tàn trữ, mua bán, sử dụng ma tuý... của Bộ luật hình sự...; Pháp lệnh tôn giáo; Luật nghĩa vụ quân sự; Pháp lệnh phòng chống mại dâm; Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính
- Giải thích, hướng dẫn những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và các lợi ích hợp pháp của công dân.
- Giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước, trách nhiệm cùng với các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.
Do tính chất đặc thù của đồng bào Khơme nên giáo dục pháp luật cần xác định nội dung cụ thể đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu pháp luật của họ. Đặc biệt công tác giáo dục lòng yêu nước cần quan tâm nhiều hơn do một bộ phận đồng bào Khơme thiếu hiểu biết về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị các thế lực thù địch đang ngấm ngầm mê hoặc, lợi dụng, lôi kéo họ để thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình một cách tinh vi. Mặt khác, đồng bào dân tộc Khơme có quan hệ cùng dân tộc với người Khơme ở Vương quốc Campuchia - quốc gia có đường biên giới chung với Việt Nam. Do đó những biến động theo hướng tích cực hoặc tiêu cực của quốc gia này đều có tác động đến đồng bào Khơme trong nước nói chung và đồng bào Khơme Trà Vinh nói riêng.
* Về hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật
Về các hình thức hay “con đường” giáo dục pháp luật đã được xác định tương đối ổn định về mặt lý luận bao gồm 10 hình thức giáo dục pháp luật được nêu
trong “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật” [7]. Đây là những hình thức giáo dục pháp luật chung cho tất cả các đối tượng. Tuỳ từng đối tượng cụ thể, ở những địa phương cụ thể mà các chủ thể giáo dục pháp luật lựa chọn những hình thức phù hợp.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, nhóm tác giả trong tác phẩm: “Một số vấn đề về giáo dục pháp luật ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số”đã đưa ra các hình thức (con đường) giáo dục pháp luật sau:
- Giáo dục pháp luật thông qua công tác hoà giải.
- Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động báo chí tuyên truyền, - Giáo dục pháp luật thông qua một số loại hình trường học.
- Giáo dục pháp luật thông qua các sinh hoạt truyền thống [30, tr.23, 54, 87, 113].
Xuất phát từ yêu cầu công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và đối tượng phổ biến giáo dục pháp luật nên hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme rất phong phú, đa dạng và rất riêng. Các hình thức kể trên mang tính phổ biến có thể áp dụng đồng thời với những phương pháp giáo dục pháp luật truyền thống kết hợp với các phong tục tập quán của đồng bào Khơme. Giáo dục pháp luật cho đồng bào Khơme có thể chọn một số hình thức sau:
- Giáo dục pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng.
- Giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hoá của đồng bào Khơme.
- Giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. - Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. - Giáo dục pháp luật thông qua các loại hình trường học.
Về phương pháp giáo dục pháp luật: đặc biệt chú ý phương pháp thuyết phục, diễn giải - trực quan, cụ thể, rõ ràng, sử dụng những ví dụ cụ thể để minh họa, tránh giải thích chung chung. Xuất phát từ trình độ dân trí thấp, nói và viết tiếng phổ thông rất khó khăn, đời sống sinh hoạt bị chi phối bởi chế độ thần quyền, do đó, trong quá trình tuyên truyền phải dùng ngôn ngữ dễ hiểu, ngắn gọn, súc tích. Mặt khác, hiệu quả giáo dục pháp luật sẽ cao hơn nếu dùng chính tiếng nói chữ viết của người Khơme hơn là sử dụng tiếng phổ thông.
Như vậy, con đường đưa pháp luật đến với đồng bào Khơme không thể rập khuôn giống nhau, tuỳ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà nên chú trọng từng hình thức cụ thể.