luật về xuất bản ở Việt Nam
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tuyên bố bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân, trong đó có quyền tự do xuất bản. Một năm sau, tháng 11 năm 1946 tại kỳ họp Quốc hội khóa II đã thông qua Hiến pháp, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, trong đó có quyền tự do xuất bản: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản" [35, tr.10].
Trong kháng chiến chống Pháp, các nhà xuất bản thuộc cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân hoặc của tư nhân ở vùng tự do, vùng du kích đã không bị kiểm duyệt tác phẩm trước khi in. Chính phủ chỉ quy định các nhà xuất bản không được xuất bản những xuất bản phẩm có hại cho nền độc lập dân tộc, ảnh hưởng xấu đến tinh thần chiến đấu của bộ đội và của nhân dân.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực xã hội trong giai đoạn mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc luật 003/SLt ngày 18-6-1957 quy định về chế độ xuất bản. Sắc luật này đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động xuất bản ở Việt Nam.
Ngay tại Điều 1 - sắc luật đã ghi rõ:
"Quyền tự do xuất bản của nhân dân được tôn trọng và đảm bảo. Tất cả các xuất bản phẩm đều không bị kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ tình thế cấp thiết, nếu Chính phủ xét cần" [38, tr.1]. Có thể nói, đây là lời tuyên bố chính thức có giá trị nhân văn sâu sắc của Nhà nước Việt Nam để khẳng định quyền
con người và đảm bảo về mặt pháp lý cho việc thực hiện trong thực tế. Nhà nước đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc, trí tuệ về vai trò, tính chất của hoạt động sản xuất, thể hiện ở Điều 3 của sắc luật: "Hoạt động xuất bản của bất kỳ cơ quan Nhà nước, chính Đảng, đoàn thể nhân dân hay là của tư nhân đều không phải là một hoạt động có tính chất đơn thuần kinh doanh mà là hoạt động văn hóa có ảnh hưởng nhiều đến việc giáo dục tư tưởng cho nhân dân, cho nên hoạt động xuất bản phải nhằm phục vụ quyền lợi Tổ quốc, nhân dân, xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân" [38, tr.1]. Đến nay, nhận thức này vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó. Cũng tại sắc luật này, những ý tưởng về quyền tác giả đã được hình thành, là cơ sở cho sự phát triển từ Nghị định 42/CP; Pháp lệnh quyền tác giả đến Bộ luật dân sự về quyền tác giả hiện nay: "Nếu xuất bản hoặc tái bản tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả thì nhà xuất bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm" [38, tr.5].
a) Theo nguyên tắc về quyền tác giả thì khi xuất bản hoặc tái bản mà tác phẩm của một tác giả thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp hoặc người được tác giả ủy quyền.
b) Khi xuất bản hoặc tái bản các văn kiện của chính quyền, của các chính đảng hoặc đoàn thể nhân dân cũng phải xin phép các cơ quan đoàn thể hữu quan về quyền sử dụng các văn kiện ấy thuộc về các cơ quan đoàn thể" [38, tr.4].
Từ khi có sắc luật 003/SLt, hoạt động xuất bản luôn phát triển đúng hướng, từng bước thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ xuất bản phẩm của nhân dân, góp phần đắc lực trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Thành tựu của hoạt động xuất bản trong 36 năm (1957-1993) nằm trong phạm vi điều chỉnh của sắc luật 003/SLt. Nhưng từ khi nền kinh tế của đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, do việc nhận thức chậm dẫn đến bảo thủ với cơ chế quản lý cũ đã làm cho hoạt động xuất bản gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc, có nơi nhiều nhà xuất bản có nguy cơ bị giải thể.
Xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã bổ sung nhiều chỉ thị, nghị quyết để chỉ đạo và quản lý côngt ác báo chí xuất bản trong cả
nước cho phù hợp với tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đại hội VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, cùng với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm sự phát triển toàn diện của đất nước. Các đạo luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thảo luận và thông qua. Đối với hoạt động xuất bản, một dự án Luật được xây dựng từ sau Đại hội lần thứVII, được Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 07-7-1993 và Chủ tịch nước công bố ngày 19-7-1993. Luật xuất bản 1993 là cơ sở pháp lý bảo đảm cho sự phát triển của hoạt động xuất bản.
Như vậy, Luật xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những ưu điểm, tích cực, cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới do thực tế cuộc sống đặt ra. Một số quy định trong Luật xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn thiếu cụ thể hoặc đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, gây ra những khó khăn, vướng mắc cho cả khâu quản lý và tổ chức thực hiện.
Mặt khác, trước yêu cầu phát triển sự nghiệp xuất bản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động xuất bản để điều chỉnh từng mặt hoạt động xuất bản như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa 9), Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Một số nội dung điều chỉnh này có nhiều khác biệt so với một số điều khoản của Luật xuất bản. Đứng trước yêu cầu đó, Luật xuất bản 2004 đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03-12-2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2005.
Có thể nói, Luật xuất bản 2004 là đỉnh cao của pháp luật về xuất bản ở Việt Nam, nó đã kế thừa được những tiến bộ của Luật xuất bản 1993, tổng kết được thực tiễn lãnh đạo và quản lý xuất bản trong những năm đổi mới, đón nhận được những đòi hỏi mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và nhu cầu hòa nhập, giao lưu trong cộng đồng quốc tế.