- Thứ ba: Về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
3.2.2. Một số kiến nghị khác
Như chúng tôi đã nêu lên hiện trạng đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm có chất lượng thấp tại mục 3.1 trên gây lãng phí rất lớn về mặt thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Hiện tượng khiếu nại tràn lan, không có căn cứ, lạc danh, khiếu nại theo tâm lý “cầu may” đã khiến công tác giám đốc thẩm, tái thẩm trở lên quá tải. Do đó, theo chúng tôi cần phải điều chỉnh lại cơ chế khiếu nại hay nói đúng hơn là ràng buộc một số điều kiện khiếu nại, ví dụ như chúng ta có thể quy định khi khiếu nại, người khiếu nại phải chịu lệ phí đối với việc họ khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Với quy định này sẽ tránh được những khiếu nại không có cơ sở, hay những khiếu nại chỉ dựa trên sai sót đơn thuần về mặt câu chữ mà không ảnh hưởng gì đến quyền lợi chính đáng của các bên.
Để nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là quan trọng nhưng một yếu tố quan trọng không kém đó là yếu tố con người. Việc kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đòi hỏi những người làm công tác này phải là những người có trình độ pháp lý cao, có kinh nghiệm xét xử và tâm huyết… thì mới có thể hoàn thành tốt công việc. Nhưng hiện nay, ngành Tòa án có rất nhiều bất cập trong việc tổ chức, sắp xếp cán bộ làm công tác này, đó là những cử nhân luật non trẻ, chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử và thực tế chưa trải qua công tác xét xử hay những cán bộ yếu kém không đủ điều kiện bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán. Do đó, ngành Tòa án cần phải tổ chức lại hệ thống, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu án giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, những cán bộ công tác ở Phòng kiểm tra giám đốc của TAND cấp tỉnh, đặc biệt là cán bộ của các tòa chuyên trách thuộc TANDTC phải là những thẩm phán giỏi, có kinh
nghiệm xét xử lâu năm trong từng lĩnh vực chuyên môn. Thêm vào đó là xây dựng chế độ đãi ngộ đối với họ, đảm bảo lương của những người này phải bằng hoặc cao hơn chế độ đãi ngộ với thẩm phán cùng cấp. Có như vậy, họ mới yên tâm công tác và nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng cũng như nâng cao chất lượng công tác của toàn ngành Tòa án nói chung.
Hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm là nhằm sửa chữa, khắc phục những sai sót trong các phán quyết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là cơ chế tự kiểm tra từ bên trong của ngành Tòa án. Nhưng từ chính những quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm ấy không phải là không có sai sót, có thể là sai sót về mặt pháp luật hay đơn thuần chỉ là sai sót về câu chữ, chính tả, lỗi đánh máy... Dù là sai sót lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì cũng làm giảm đi tính chất, mục đích của hoạt động này và khiến nhân dân cũng như dư luận bức xúc, mất lòng tin. Vì vậy, theo chúng tôi, một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài là cần phải tổ chức lại hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử chứ không theo địa giới hành chính như hiện nay để thuận lợi cho việc tập trung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vào TANDTC. Theo mô hình tổ chức ngành Toà án như hiện nay thì một cấp Toà án vừa thực hiện cả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc tổ chức như vậy là không hợp lý, hiệu quả hoạt động của Toà án thấp. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ cải cách tư pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử để phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như nâng cao chất lượng xét xử.
Trên đây là một số kiến nghị mà chúng tôi đề xuất với mong muốn có thể đóng góp phần nào để những nhà lập pháp, những nhà lãnh đạo nhìn nhận đúng đắn về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự hiện nay và có những thay đổi phù hợp với thực tiễn.
Kết luận
Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa rất lớn trong việc khắc phục những sai sót của các cấp Toà án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho các đương sự. Thông qua việc xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, ngành Toà án sẽ tự đánh giá được chất lượng xét xử và có ý thức nâng cao xét xử trong toàn ngành, góp phần vào việc củng cố nguyên tắc pháp chế XHCN. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chất lượng xét xử của ngành Toà án và đặc biệt là công tác giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, sự tin tưởng của người dân và sự quan tâm của dư luận. Tình trạng đơn khiếu nại ngày càng gia tăng, số vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài, bức xúc ngày càng nhiều và phức tạp hơn; các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành có nhiều sai sót, trái pháp luật, Toà án các cấp chưa thực sự tôn trọng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp trên…Mặt khác, cũng có nhiều trường hợp đương sự lợi dụng khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để trì hoãn, né tránh việc thi hành án gây khó khăn rất lớn cho công tác thi hành án.
Để giải quyết được thực trạng trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: các giải pháp về mặt pháp luật như hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng; cải tổ về mặt tổ chức bộ máy làm việc của ngành Toà án; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên; tuyên truyền và phổ biến pháp luật hiệu quả hơn nữa để nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật của nhân dân.
Qua đề tài này, chúng tôi đã nghiên cứu một cách hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, phân tích, đưa ra những đánh giá về những điểm hợp lý, những điểm còn hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đồng thời, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị về mặt lập pháp, về tổ chức, con người như quy định lại thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm tập trung vào TANDTC, sửa đổi những quy định của
pháp luật tố tụng về thời hạn kháng nghị, bổ sung quy định về quyền khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự…
Việc phát huy vai trò quan trọng của việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong TTDS không chỉ nhằm khắc phục những sai sót mà còn là một công cụ chính trong việc nâng cao chất lượng xét xử của ngành TAND. Phải coi công tác giám đốc thẩm, tái thẩm là chức năng chính của TANDTC bên cạnh chức năng hướng dẫn áp dụng pháp luật trong nghiệp vụ xét xử toàn ngành.
Nếu công tác giám đốc thẩm, tái thẩm được làm tốt thì đó là một bảo đảm vững chắc của việc nghiêm chỉnh thình hành pháp luật, củng cố tăng cường pháp chế XHCN, đem lại công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao uy tín của chính quyền và chế độ, thúc đẩy giao lưu dân sự và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, quá trình hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá của đất nước ta.