Vì thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đều là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nên hội đồng xét xử không xem xét trực tiếp về quyền và lợi ích của các bên đương sự mà chỉ xem xét tính hợp pháp của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới trên cơ sở hồ sơ vụ án. Với tính chất như vậy, cả hội đồng giám đốc thẩm hay hội đồng tái thẩm có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là đúng, việc kháng nghị không có căn cứ; hoặc huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 192 của BLTTDS.
Ngoài hai quyền hạn trên thì do tính chất của giám đốc thẩm và tái thẩm khác nhau nên quyền hạn của hội đồng giám đốc thẩm và tái thẩm còn có những điểm khác nhau.
Điều 279 BLTTDS quy định quyền hạn của hội đồng giám đốc thẩm. Theo đó, khi xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, hội đồng giám đốc thẩm còn có quyền hạn sau:
- Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa.
Theo Điều 298 BLTTDS, nếu kháng nghị có căn cứ, bản án, quyết định của toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc sửa không đúng thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của toà án cấp dưới xét xử đúng pháp luật nhưng đã bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị huỷ bỏ hoặc sửa đổi một phần hay toàn bộ. Tức là Hội đồng xét xử có quyền huỷ án phúc thẩm và giữ nguyên án sơ thẩm nếu án phúc thẩm huỷ án sơ thẩm là không đúng pháp luật. Hội đồng tái thẩm không có quyền hạn này.
- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.
Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thảm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại nếu việc kháng nghị có căn cứ. Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại trong các trường hợp sau:
- Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại BLTTDS;
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;
- Thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định của BLTTDS hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
Khi xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, hội đồng giám đốc thẩm có thể huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giao cho toà án cấp mình hoặc cấp dưới xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại vụ án. Đồng thời, hội đồng giám đốc thẩm có thể hướng dẫn toà án xử lại vụ án những vấn đề cần thiết như: việc đánh giá chứng cứ, việc vận dụng pháp luật để giải quyết vụ án…Nhưng hội đồng giám đốc thẩm không được chỉ rõ phải quyết định giải quyết vụ án như thế nào khi vụ án được xét lại. Toà án giải quyết vụ án căn cứ vào diễn biến của vụ án và pháp luật áp dụng giải quyết vụ án mà không bị ràng buộc vào ý kiến hướng dẫn của toà án cấp giám đốc thẩm.
Nếu như hội đồng giám đốc thẩm có quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc phúc thẩm lại thì hội đồng tái thẩm chỉ có thẩm quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật dể xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Khi kháng nghị có căn cứ, nghĩa là quyết định của Toà án trong các bản án, quyết định bị kháng nghị giải quyết vụ án không phù hợp với thực tế khách quan của nó, không đúng pháp luật thì Hội đồng tái thẩm huỷ bản án, quyết định để xét xử lại vụ án. Toà án xử lại vụ án phải tiến hành giải quyết vụ án như đối với vụ án mới. Trong quá trình giải quyết lại vụ án, Toà án phải tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật TTDS. Điều này lý giải tại sao Hội đồng tái thẩm phải huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại mà không thể xét xử phúc thẩm lại như thủ tục giám đốc thẩm. Còn ở thủ tục tái thẩm, nếu xác định có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án thì phải xử lại vụ án đó như đối với án mới nên phải xét xử sơ thẩm lại.
Khi huỷ bản án, quyết định để điều tra xét xử lại, Hội đồng tái thẩm có thể hướng dẫn toà án cấp dưới xử lại vụ án về những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, khi giải quyết lại vụ án toà án cấp dưới vẫn phải căn cứ vào pháp luật và thực tế khách quan của vụ án để quyết định. Bản án, quyết định của toà án xét xử lại vụ án cũng có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, việc tách riêng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay là hợp lý vì như đã phân tích ở trên, hai thủ tục này khác nhau về tính chất, dẫn đến các quy định về cơ chế xử lý và hậu quả pháp lý là khác nhau. BLTTDS đã có những quy định khá rõ ràng, và chi tiết về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng pháp lý là một ngành khoa học đặc thù nên xung quanh những vấn đề mà luật đã quy định còn có nhiều ý kiến trái chiều. Những quan điểm khác nhau cũng như những luận điểm mà các nhà nghiên cứu đưa ra sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật TTDS về hai thủ tục này.
Chương 3