Có thể hiểu, Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là văn bản do Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành thể hiện ý chí của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm về việc giải quyết vụ án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Đây là quyết định có ý nghĩa pháp lý quan trọng bởi nó quyết định huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới hoặc bác kháng nghị của người có thẩm quyền. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm không chỉ làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của đương sự, những người có liên quan mà còn đánh giá chất lượng xét xử của Toà án đã ban hành kháng nghị cũng như của các toà án cấp dưới.
Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm phải có các quy định tại khoản 2 Điều 301 BLTTDS:
- Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên toà;
- Họ, tên các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm. Trường hợp hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm là Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh hoặc Hội đồng thẩm phán TANDTC thì ghi họ, tên, chức vụ của chủ toạ phiên toà và số lượng thành viên tham gia xét xử;
- Họ, tên Thư ký Toà án, Kiểm sát viên tham gia phiên toà; - Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử;
- Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
- Quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị;
- Nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;
- Điểm, khoản, điều của BLTTDS mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm căn cứ để ra quyết định;
- Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm;
- Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Sau khi ra quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, theo quy định tại Điều 303 BLTTDS, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm phải gửi ngày quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cho đương sự, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Toà án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định.
Quy định về hình thức và hiệu lực của Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của BLTTDS đã góp phần bảo đảm cho quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện trên thực tế, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2.2. Khác nhau
Thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm tuy cùng là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở kháng nghị của những người có thẩm quyền nhưng đây là hai thủ tục độc lập trong pháp luật TTDS nên ngoài những điểm tương đồng còn có những điểm khác biệt. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai thủ tục này là việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm dựa trên những căn cứ kháng nghị khác nghị khác nhau. Từ điểm khác biệt cơ bản này, dẫn tới sự khác nhau trong các quy định về thời hạn kháng nghị và quyền hạn của hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.