- Thứ ba: Tình trạng trả lời đơn rồi kháng nghị, thể hiện “tiền hậu bất nhất”
3.2.1. Một số kiến nghị về mặt lập pháp
- Thứ nhất: Về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo chúng tôi nên bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp tỉnh mà nên tập trung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vào TANDTC vì:
+ Do tính chất đặc biệt của giám đốc thẩm, tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đã được thi hành nên việc xét lại phải hết sức thận trọng và đảm bảo chất lượng. Khi thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm được tập trung ở TANDTC với những thẩm phán chuyên ngành có trình độ cao sẽ đảm bảo tốt hơn chất lượng của hoạt động này.
+ Việc giảm bớt một cấp giám đốc thẩm làm cho thủ tục bớt phiền hà, kéo dài, đáp ứng được yêu cầu xử lý nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng một vụ việc qua nhiều cấp giám đốc thẩm.
+ Theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đền năm 2020 thì TANDTC sẽ tập trung vào công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nên theo chúng tôi cần phải bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh. Thực tế, công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh không hiệu quả và cũng theo mô hình tổ chức lại hệ thống toà án thì Toà án tỉnh sẽ trở thành các toà phúc thẩm nên việc bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh hiện nay là cần thiết.
Theo chúng tôi cũng nên xem xét lại các quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Hội đồng thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất, có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các
Toà thuộc TANDTC, về tất cả các chuyên ngành hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Quy định này không phù hợp vì: việc xét lại những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ở Hội đồng thẩm phán TANDTC đòi hỏi những người tham gia Hội đồng phải là những thẩm phán có trình độ chuyên môn rất cao. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng thẩm phán TANDTC không phải là một hội đồng chuyên ngành, thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC gồm Chánh án, các Phó Chánh án, một số thẩm phán thuộc TANDTC. Có thể nói rằng, rất hiếm có một thẩm phán nào giỏi tất cả các chuyên môn để có thể đưa ra phán xét đúng đắn về tất cả các loại án khác nhau. Cơ chế xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC là nghe và biểu quyết nên cũng không thể đảm bảo các vụ án được xét xử đúng pháp luật, khách quan.
- Thứ hai: Về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm, yêu cầu với đơn khiếu nại
và việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm.
BLTTDS hiện nay chưa có quy định về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm cũng như quy định về việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Do đó, dẫn đến tình trạng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thì đương sự mới gửi đơn khiếu nại hoặc khi gần hết thời hạn kháng nghị mới gửi đơn khiếu nại khiến Toà án có thẩm quyền không đủ thời gian để xem xét, kiến nghị, làm giảm chất lượng của kháng nghị.
Vì vậy, pháp luật cần có quy định về thời hạn gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã bổ sung thêm quy định về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm là 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Nhưng trong dự thảo luật lại chưa có quy định về nội dung đơn khiếu nại cũng như các tài liệu để chứng minh việc khiếu nại là có căn cứ. Theo chúng tôi, cần đưa thêm quy định về nội dung đơn khiếu nại và các tài liệu gửi kèm theo để người dân dễ hiểu, dễ áp dụng thống nhất được mẫu đơn và khắc phục tình trạng đơn không đủ điều kiện thụ lý… Theo đó, nội dung đơn khiếu nại gồm:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại; + Tên, đại chỉ người khiếu nại;
+ Tên bản án, quyết định dân sự bị khiếu nại; + Lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại; + Chữ ký của người khiếu nại.
Ngoài ra, người khiếu nại cần phải gửi các tài liệu kèm theo để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại của mình.
Để nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại thì BLTTDS cần có những quy định minh bạch hoá quá trình giải quyết đơn khiếu nại chứ không chỉ dừng lại ở việc quy định về thủ tục kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay. Có thể quy định như sau: sau khi nhận được đơn khiếu nại, phải vào sổ theo dõi đơn và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thì TAND, VKSND nhận được đơn khiếu nại phải xử lý đơn khiếu nại đó và ra một trong những thông báo sau để người khiếu nại biết:
+ Yêu cầu người khiếu nại cung cấp tài liệu;
+ Nếu đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho người khiếu nại biết;
+ Thụ lý đơn khiếu nại.