Kháng nghị là bước đầu tiên làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên khi có quyết định kháng nghị một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hay không thì người có thẩm quyền kháng nghị cần phải xem xét thận trọng. Bởi việc kháng nghị dẫn đến hậu quả là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật
có thể bị hủy. Tuy nhiên, chất lượng của những bản kháng nghị trong một số trường hợp chưa được đảm bảo. Điều này được thể hiện:
- Thứ nhất: Số lượng kháng nghị không được chấp nhận và số lượng kháng nghị bị rút khá cao
Theo thống kê số kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận thì: năm 2005 là 1/28 vụ; năm 2006 là 14/121 vụ; năm 2007 là 11/156 vụ; năm 2008 là 10/146 vụ, năm 2009 là 4/207 vụ; năm 2010 là 3/176 vụ. Như vậy, tỷ lệ kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không được chấp nhận trong năm 2005 là 3,6%; năm 2006 là 11,6%; năm 2007 là 7,1%; năm 2008 là 6,8%; năm 2009 là 1,9 %; năm 2010 là 1,7%. Tỷ lệ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát không được chấp nhận là khá cao vào năm 2006 và đang giảm dần qua các năm.
Qua các năm thì chưa thấy kháng nghị nào của Chánh án TANDTC bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không chấp nhận. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi kháng nghị của Chánh án TANDTC đều đúng pháp luật vì nếu nhận thấy kháng nghị không có cơ sở thì trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm người có thẩm quyền kháng nghị sẽ rút kháng nghị nên sẽ không có trường hợp kháng nghị của Chánh án bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm bác. Năm 2008, Chánh án TANDTC rút 2 kháng nghị; năm 2009 rút 3 kháng nghị; năm 2010 rút 2 kháng nghị.
Nguyên nhân của chất lượng kháng nghị chưa cao dẫn đến tình trạng rút kháng nghị hoặc kháng nghị không được Toà án chấp nhận là do trong một số trường hợp chủ thể kháng nghị chưa nhận thức đúng về căn cứ kháng nghị tức là không nhất thiết phải kháng nghị nhưng người có thẩm quyền kháng nghị vẫn quyết định kháng nghị. Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng này là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa quy định cụ thể về căn cứ kháng nghị dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, đánh giá khác nhau về căn cứ kháng nghị. Vì
vậy, đòi hỏi pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn để nâng cáo chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thứ hai: Nhiều văn bản kháng nghị có sai sót nghiêm trọng
Trong thời gian qua, nhiều kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành Toà án được ban hành có những sai sót nghiêm trọng khiến dư luận rất bức xúc. Những sai sót này tưởng chừng như không thể mắc phải bởi những người có thẩm quyền kháng nghị đều là những người có trình độ pháp luật, hiểu luật sâu sắc, cặn kẽ. Ví dụ vụ án sau:
Vụ án tranh chấp ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: Bà Triệu Thị Mão có sử dụng 2.063m2 đất do bố mẹ chồng là cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa để lại. Cụ Sụn có ba người con là ông Nguyễn Văn Kế, ông Nguyễn Văn Sáu, ông Nguyễn Văn Bón. Năm 1956, ông Kế và bà Mão chia cho người em ruột là ông Nguyễn Văn Sáu một nửa số đất. Bà Mão sử dụng diện tích đất còn lại (1.020m2) đến năm 2002 thì phát sinh tranh chấp. Chị Nguyễn Thị Bình, chị gái của anh Nguyễn Văn Chung đem sổ đỏ đứng tên anh Chung và yêu cầu trả lại thửa đất. Lúc đó, bà Mão mới biết thửa đất của bà đã bị con trai là Nguyễn Văn Tạo tự ý chia đôi và Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Chung, anh Tạo. Bà Mão khởi kiện đòi lại đất và yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Sau 8 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, ngày 23/9/2008, TAND thành phố Hà Nội đã xử phúc thẩm với nội dung: bà Mão là chủ sử dụng hợp pháp của thửa đất đang tranh chấp. Tháng 01/2009, cơ quan thi hành án đã cho thi hành xong bản án, giao đất cho các bên. Tuy nhiên, ngày 9/6/2010, Chánh án TANDTC lại ban hành quyết định kháng nghị với bản án phúc thẩm nêu trên. Điều đáng nói là lý do mà bản kháng nghị nêu ra là do năm 1968 đã có việc bàn bạc, chia đất của bà Mão và có 4 người làm chứng là anh Nguyễn Văn Khải sinh năm 1967 (khi làm chứng mới được 01 tuổi); chị Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1961 (khi làm chứng được 7 tuổi); anh Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1964
(khi làm chứng được 4 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1971 (khi làm chứng thì chưa sinh). Với lý do kháng nghị như vậy thì khiến dư luận rất bức xúc trước thái độ của người “cầm cân nảy mực” cho dân.