Theo quy định tại Điều 291 BLTTDS thì TANDTC, TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, cụ thể:
- Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện bị kháng nghị.
- Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Lao động thuộc TANDTC có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng nghị.
- Hội đồng thẩm phán TANDTC có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà phúc thẩm, Toà Dân sự, Toà Kinh tế, Toà Lao động thuộc TANDTC bị kháng nghị.
Như vậy, thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chỉ được giao cho TANDTC và Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh. Riêng ở TANDTC có hai cấp giám đốc thẩm, tái thẩm là Toà Dân sự, Toà Lao động, Toà Kinh tế thuộc TANDTC và Hội đồng thẩm phán TANDTC. Trong đó:
- Toà Dân sự, Toà Kinh tế, toà Lao động TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định dân sự (theo nghĩa rộng) đã có hiệu lực pháp luật của các TAND cấp tỉnh;
- Hội đồng thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của các Toà thuộc TANDTC, bao gồm: các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của các Toà Kinh tế, Toà Dân sự, Toà Lao động thuộc TANDTC và các bản án, quyết định phúc thẩm của ba Toà phúc thẩm TANDTC.
Theo chúng tôi thì quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay là chưa phù hợp vì thực tế hiện nay chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC là quá tải và chưa thực sự bảo đảm
tính khách quan. Thành viên Hội đồng thẩm phán bao gồm Chánh án TANDTC, các Phó Chánh án, một số thẩm phán các đơn vị thuộc TANDTC. Hội đồng thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm tất cả các loại án dân sự, hình sự, hành chính, theo nguyên tắc biểu quyết, mà những vụ án thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán TANDTC thường hết sức phức tạp nên với cơ chế hoạt động xét xử như hiện nay thì sẽ kém hiệu quả. Với quy định như trên cũng dẫn đến việc số lượng các vụ việc giám đốc thẩm, tái thẩm mà Hội đồng thẩm phán TANDTC phải xử là rất lớn, khó đảm bảo được thời hạn mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Điều 293 BLTTDS. Từ đó, dẫn đến tình trạng án tồn đọng, kéo dài và gây bức xúc trong đương sự, dư luận.
Hơn nữa, theo khoản 4 Điều 291 BLTTDS thì những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật về cùng một vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các cấp Toà án khác nhau được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 291 thì Toà án có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án. “Với quy định này thì thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm là không rõ ràng, có thể dẫn tới những cách hiểu và vận dụng khác nhau. Theo cách quy định này có thể dẫn tới cách hiểu là Toà án có thẩm quyền cấp trên có thể giám đốc thẩm, tái thẩm toàn bộ vụ án mà không bị giới hạn bởi nội dung kháng nghị theo quy định về phạm vi xét xử tại Điều 296 BLTTDS. Do vậy, cần phải có những giải thích, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này” [10].