Phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 32 - 34)

Để sớm sửa chữa được những sai lầm trong các bản án, quyết định bị kháng nghị, Toà án cần phải mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm sớm. Điều 293 BLTTDS quy định: phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án. Trong thời hạn này, Toà án tiến hành tất cả các công việc cần thiết cho việc mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm.

Sau khi nhận được kháng nghị cùng hồ sơ vụ án thì Chánh án toà án hoặc Chánh toà chuyên trách TANDTC phân công một thẩm phán là thành viên của hội đồng xét xử chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị xét xử. Thành viên này có nhiệm vụ nghiên cứu lại hồ sơ vụ án, bản án, quyết định bị kháng nghị, bản kháng nghị, kết luận viết của Viện kiểm sát (nếu có) và chuẩn bị thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của hội đồng xét xử cũng tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm vững nội dung vụ án để tham gia xét xử.

Nội dung bản thuyết trình phải tóm tắt được nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp toà án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải

được gửi trước cho các thành viên hội đồng xét xử chậm nhất là bảy ngày trước ngày mở phiên toà.

Sau khi ấn định được ngày mở phiên toà thì tiến hành mở phiên toà theo thủ tục do pháp luật quy định cụ thể tại Điều 295 BLTTDS. Theo đó, phiên toà sẽ được tiến hành như sau:

Phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm không mở công khai. Nếu có người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt thì phiên toà vẫn được tiến hành. Trong trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên toà.

Sau khi chủ tọa khai mạc phiên toà, một thành viên của Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Sau đó, đại diện Viện kiểm sát pháp biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị.

Trong trường hợp, có người tham gia tố tụng hoặc người khác được Toà án triệu tập tham gia phiên toà thì họ được trình bày ý kiến của mình về quyết định kháng nghị sau khi các thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, các căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị. Nếu thấy có vấn đề nào chưa rõ thì Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm. Khi những người được triệu tập tham gia phiên toà trình bày xong ý kiến của mình, các thành viên của Hội đồng xét xử hỏi xong thì đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị.

Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Hội đồng biểu quyết về việc giải quyết theo trình tự tán thành, không tán thành với kháng nghị và ý kiến khác. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Hội đồng thẩm phán TANDTC phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm

phán hoặc Hội đồng thẩm phán biểu quyết tán thành. Trong trường hợp không được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh hoặc Hội đồng thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành thì phải hoãn phiên toà. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà, Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Hội đồng thẩm phán TANDTC phải tiến hành xét xử lại với sự tham gia của toàn thể các thành viên.

Có thể thấy, thủ tục phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm có sự khác biệt so với thủ tục phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm. Phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm được tiến hành công khai, thông thường trải qua 5 bước: khai mạc phiên toà, hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án. Trong khi đó, phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm không được mở công khai và thủ tục tiến hành phiên toà cũng không phải theo trình tự 5 bước trên. Tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ có sự thảo luận của các thẩm phán trong Hội đồng và đại diện Viện kiểm sát; ngoài ra do quy định của pháp luật, đương sự chỉ được triệu tập tham gia phiên toà trong trường hợp cần thiết nên thủ tục phiên toà không có phần tranh luận giữa các đương sự với nhau. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm được đưa ra sau khi Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm thảo luận xong các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Sở dĩ, thủ tục phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định có sự đặc biệt như vậy là do xuất phát từ tính chất giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật do bị kháng nghị chứ không phải là cấp xét xử thứ ba.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 32 - 34)