- Thứ ba: Tình trạng trả lời đơn rồi kháng nghị, thể hiện “tiền hậu bất nhất”
3.1.3. Thực tiễn hoạt động xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
Có thể khẳng định, nhờ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc sửa sai, khắc phục những sai lầm trong những phán quyết của ngành Toà án. Từ đó, nâng cao ý thức của đội ngũ thẩm phán TAND các cấp và giúp TANDTC ban hành những văn bản hướng dẫn xét xử, thống nhất nhận thức, là kim chỉ nam để giúp các thẩm phán vận dụng trong quá trình xét xử. TANDTC, TAND các cấp đã sử dụng kết quả giám đốc thẩm, tái thẩm để làm tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ thẩm phán. Hàng năm các thẩm phán đều được đánh giá thông qua các vụ án bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ án, làm cơ sở để đánh giá khi quyết định tái bổ nhiệm thẩm phán.
- Thứ nhất: Về tình hình giải quyết các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm Qua số liệu thụ lý, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của các năm, có thể nhận thấy số vụ việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự ở TANDTC và Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh đều chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng số vụ việc dân sự mà TAND các cấp giải quyết.
Bảng 3: Tỷ lệ án giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số án đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (Nguồn tổng hợp từ Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)
Năm Số vụ đã xét xử sơ thẩm Số vụ đã xét xử phúc thẩm Tổng số vụ đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Tổng số vụ giám đốc thẩm, tái thẩm Tỷ lệ giám đốc thẩm, tái thẩm trên sơ thẩm, phúc thẩm 2005 117.033 14.384 131.417 708 0,5% 2006 129.875 16.329 146.204 619 0,4% 2007 153.531 17.413 170.944 791 0,5% 2008 157.096 16.825 173.921 811 0,5% 2009 177.417 15.893 193.310 1.048 0,6% 2010 180.022 13.032 193.054 1.318 0,7%
Qua các báo cáo tổng kết của ngành Toà án hay báo cáo tổng kết công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC thì chúng ta đều thấy số liệu gộp chung án giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng trên thực tế đó chủ yếu là số lượng án giám
đốc thẩm, còn số vụ tái thẩm là rất ít. Theo Báo cáo tổng kết của Toà Dân sự TANDTC thì trong năm 2008, TANDTC xét xử tái thẩm 03 vụ; năm 2009 là 02 vụ và năm 2010 là 02 vụ. Như vậy, số vụ tái thẩm quá nhỏ so với số vụ giám đốc thẩm. Điều này cũng xuất phát từ tính chất của thủ tục tái thẩm.
Qua số liệu trên, có thể thấy rằng số lượng án giám đốc thẩm, tái thẩm chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số án đã xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Việc chiếm tỷ lệ nhỏ cho thấy chất lượng xét xử của ngành Toà án đã và đang được nâng cao; bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm đã đảm bảo chất lượng, có căn cứ, đúng pháp luật và ít sai sót. Ngoài ra, tỷ lệ án giám đốc thẩm, tái thẩm giữa các năm không có chênh lệch nhiều chứng tỏ ngành Toà án không ngừng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng xét xử.
- Thứ hai: Công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh chưa thực sự hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thống kê tổng hợp TANDTC thì trong năm 2006, Toà án cấp tỉnh chỉ giải quyết được 243/619 tổng số vụ khiếu nại, chiếm tỷ lệ 39,3%; năm 2007, số lượng là 306/791 vụ, chiếm tỷ lệ 38,7%; năm 2008 là 343/811 chiếm tỷ lệ 42,2%; năm 2009 là 357/872 vụ chiếm 40,9%; năm 2010 là 423/976 chiếm 43,3%. Như vậy, nếu tính trung bình theo từng năm, từng tỉnh thì mỗi TAND tỉnh chỉ giải quyết khoảng 4 vụ giám đốc thẩm, tái thẩm/ năm. Do đó, trong thời gian tới, TAND cấp tỉnh cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Toà án, đảm bảo công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự được hiệu quả nếu tiếp tục có vai trò giám đốc thẩm, tái thẩm; từ đó giảm bớt gánh nặng cho TANDTC.
- Thứ ba: Với thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay không khắc phục được tình trạng xét xử nhiều lần, án kéo dài.
Theo quy định của pháp luật, chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc về TAND cấp tỉnh và TANDTC nhưng có tới 3 cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm là: Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Toà chuyên trách thuộc TANDTC và Hội đồng thẩm phán TANDTC. Với trường hợp tái thẩm thì không,
nhưng với giám đốc thẩm thì đã dẫn tới thực tế là một vụ án có thể xét xử giám đốc thẩm tới 3 lần: tức là một bản án sơ thẩm có hiệu lực của TAND cấp huyện bị kháng nghị thì Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm; nếu quyết định giám đốc thẩm này bị kháng nghị thì Toà chuyên trách TANDTC sẽ giám đốc thẩm, và sau đó tiếp tục bị kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ giám đốc thẩm.
Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không có quyền sửa bản án, quyết định bị kháng nghị, tức là không có quyền ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên đương sự mà chỉ có quyền huỷ án để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại nên đã tình trạng án kéo dài mà không có điểm dừng, xử rồi bị huỷ, rồi lại xử lại, rồi lại huỷ…Điều này đã gây hoang mang cho người dân trong hành trình đi tìm công lý.
Ví dụ vụ án sau: nguyên đơn bà Nguyễn Thị Xuyên và bị đơn ông Đỗ Văn Căn tranh chấp diện tích đất 59m2 tại xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2002/DSST ngày 16/9/2002, TAND huyện Tam Dương và Bản án dân sự phúc thẩm số 65/2003/DSPT ngày 12/3/2003 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định: bác đơn khởi kiện của bà Xuyên, công nhận quyền sử dụng 59m2 đất của ông Căn.
Ngày 16/9/2005, Chánh án TANDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 324/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc vì chưa có đầy đủ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Căn.
Ngày 26/4/2006, Toà Dân sự TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm số 128/GĐT-DS huỷ quyết định của bản án phúc thẩm, sơ thẩm; giao hồ sơ cho TAND huyện Tam Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, TAND huyện Tam Dương và TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử vẫn bác yêu cầu khởi kiện của bà Xuyên.
Ngày 22/8/2008, Chánh án TANDTC lại có quyết định kháng nghị số 289/KN-DS kháng nghị giám đốc thẩm với bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 05/01/2009, Toà Dân sự TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm số 02/GĐT- DS quyết định huỷ bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau khi có bản án sơ thẩm, phúc thẩm lần 3, đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và hiện TANDTC đang xem xét đơn khiếu nại.
Như vậy, một vụ án kéo dài hàng chục năm chưa có hồi kết và việc xét xử được theo một quy trình lặp đi lặp lại: sơ thẩm. phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, xét xử giám đốc thẩm, huỷ án, xét xử sơ thẩm lại, phúc thẩm lại rồi lại kháng nghị…nếu như vậy thì không biết đên bao giờ mới chấm dứt.
- Thứ tư: Vướng mắc trong thi hành bản án, quyết định đối với bản án, quyết định bị huỷ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo quy định của pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành. Người được thi hành án và cả người bị thi hành án đều có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cho thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Trong khi đó, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thời hạn kháng nghị tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp khi đương sự thi hành xong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm xử huỷ án. Việc xử lý “hậu thi hành án” trong những trường hợp trên sẽ rất khó khăn. Nếu là các quan hệ tranh chấp như: vay, mượn, hay bồi thường thường thiệt hại…thì khắc phục hậu quả của việc đã thi hành bản án, quyết định mà bị huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì có phần đơn giản hơn nhưng đối với những tranh chấp liên quan đến nhà đất thì rất khó giải quyết, gây thiệt hại cho
lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Do đó, vấn đề đặt ra là pháp luật cần có những quy định để giải quyết những vướng mắc này.