Hậu quả khi bị kháng nghị

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 26 - 27)

Nếu ở giai đoạn xét xử phúc thẩm, bản án hoặc quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì phần của bản án hoặc quyết định bị kháng cáo hoặc kháng nghị chưa được đưa ra thi hành trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay. Nhưng ở giai đoạn giám đốc thẩm và tái thẩm lại không phải như vậy. Về nguyên tắc, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa làm mất hiệu lực pháp luật của bản án hoặc quyết định bị kháng nghị

nếu người có thẩm quyền kháng nghị không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án hoặc quyết định hoãn thi hành án.

Theo Điều 286 BLTTDS, người có quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sư có thẩm quyền hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xem xét việc kháng nghị; Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền tạm đình chỉ việc thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

Với quy định như trên sẽ khắc phục ngay được tình trạng các bản án, quyết định có sai lầm nghiêm trọng mà vẫn được thi hành trên thực tế, và cũng nâng cao trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự.

Như vậy, chỉ khi người có thẩm quyền kháng nghị ra quyết định hoãn thi hành án hoặc quyết định tạm đình chỉ thi hành án thì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó mới chưa được thi hành. Hiện nay, một số Toà án chưa nắm vững các quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đương sự gửi đơn khiếu nại yêu cầu xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì Toà án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm thường gửi giấy báo cho đương sự với nội dung: “sẽ xem xét giải quyết” hoặc “sẽ trả lời”. Khi nhận được các giấy báo này, các đương sự viện lý do là vụ án đang được Toà án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm đang xem xét để cố tình không thi hành bản án nên dẫn đến gây khó khăn lớn cho cơ quan thi hành án và gây ra tình trạng án tồn đọng không thi hành được.

Do đó, việc xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm và kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không đương nhiên làm mất hiệu lực và việc thi hành các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 26 - 27)