Thời hạn kháng nghị

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 44 - 47)

Để đảm bảo tính ổn định của bản án, quyết định của Toà án và việc xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được kịp thời, hiệu quả, sớm khắc phục được những sai sót, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì việc kháng nghị cần được tiến hành trong một thời hạn nhất định.

BLTTDS đã có những quy định mang tính thống nhất về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những bản án, quyết định dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động. Theo Điều 288 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, theo Điều 308 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị tái thẩm là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm theo quy định của BLTTDS.

Trên thực tế công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC và VKSNDTC thì việc kháng nghị chủ yếu dựa vào việc xem xét đơn thư khiếu nại của đương sự hoặc của các cơ quan, ban ngành chuyển đơn. Do BLTTDS không quy định thời hạn đương sự được quyền gửi đơn khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà chỉ quy định thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nên nhiều trường hợp đương sự gửi đơn khiếu nại đã quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc gửi đơn gần sát thời hạn kháng nghị khiến Toà án không kịp rút hồ sơ, nghiên cứu phát hiện sai lầm để kháng nghị…Hoặc Toà án đã nhận được đơn của đương sự nhưng để quá thời hạn, nếu khiếu nại của đương sự có căn cứ thì không thể kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ không được bảo đảm.

Việc quy định mốc thời gian bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến mốc người có thẩm quyền kháng nghị ra quyết định kháng nghị làm thời hạn kháng nghị là không đảm bảo quyền lợi của đương sự. Rõ ràng, quy định hiện hành về thời hạn kháng nghị là bất hợp lý. Đó chính là nguyên nhân gây thiệt hại quyền, lợi ích chính đáng của đương sự, đồng thời cũng dẫn đến bế tắc trong việc giải quyết các hồ sơ được cho là quá hạn kháng nghị mà không có sự phân định minh bạch lỗi.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm không lấy mốc là ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật mà tính từ ngày phát hiện được tình tiết mới là căn cứ để kháng nghị theo quy định của BLTTDS. Vậy, ngày phát

hiện tình tiết mới là ngày nào? Cần lưu ý rằng, thời điểm bắt đầu tính thời hạn tức là tình tiết mới được phát hiện chỉ có ý nghĩa khi Viện kiểm sát hoặc Toà án nhận được nguồn tin đó và bắt đầu tính thời hạn, chứ không phải ngày đương sự hay một cơ quan, tổ chức nào khác phát hiện được những tình tiết mới đó. Khi nhận được nguồn tin về tình tiết mới, Toà án hoặc Viện kiểm sát còn phải tiến hành nghiên cứu, xác minh làm rõ đó có phải là tình tiết mới hay không? Từ đó quyết định có kháng nghị hay không? Và BLTTDS quy định khoảng thời gian từ khi nhận được nguồn tin đến ngày ra quyết định kháng nghị tái thẩm là một năm. Quy định này đảm bảo được việc phát hiện, khắc phục hậu quả một cách kịp thời, nhanh chóng.

Tuy nhiên, “với quy định như BLTTDS hiện nay thì việc kháng nghị hay không kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là phụ thuộc vào việc người có thẩm quyền kháng nghị biết hay không biết các căn cứ để kháng nghị tái thẩm. Và việc người có thẩm quyền biết hay không biết các căn cứ để kháng nghị tái thẩm chủ yếu lại phụ thuộc vàp việc Thẩm tra viên có đề xuất kháng nghị hay không vì Thẩm tra viên là người được giao trực tiếp nghiên cứu hồ sơ. Do vậy, cần phải xây dựng một cơ chế phối hợp giữa Thẩm tra viên và người có thẩm quyền kháng nghị cũng như trách nhiệm của họ đối với việc không kháng nghị các bản án, quyết định của Toà án, mặc dù rõ ràng có căn cứ để tiến hành kháng nghị tái thẩm” [10].

Ngoài ra, để tránh việc giải quyết yêu cầu kháng nghị một cách không cần thiết, pháp luật quy định việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị. Các văn bản pháp luật tố tụng trước đó không có quy định về việc thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị sau khi người có thẩm quyền đã tiến hành kháng nghị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Khắc phục những bất cập này, lần đầu tiên các quy định về việc thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị được ghi nhận tại Điều 289 và Điều 310 BLTTDS. Theo đó, người đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị nếu chưa hết thời hạn

kháng nghị; có quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định kháng nghị trước khi mở phiên toà hoặc tại tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tuy vậy, BLTTDS không có quy định cụ thể về thủ tục giải quyết trong trường hợp người đã kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm. Vấn đề đặt ra là khi vận dụng vào thực tiễn, với những trường hợp này, Toà án cấp giám đốc thẩm, tái thẩm có phải ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hay không? Đặc biệt, trong trường hợp xét thấy bản án, quyết định có xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án mà người có thẩm quyền kháng nghị đã rút toàn bộ kháng nghị thì Toà án cấp giám đốc thẩm sẽ giải quyết như thế nào thì trong luật cũng không đề cập? Do vậy, khi sửa đổi BLTTDS về phần thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cần bổ sung các quy định về thủ tục giải quyết trong trường hợp người đã kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 44 - 47)