Công tác giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 51 - 54)

Khi bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không có quyền kháng cáo. Nếu phát hiện bản án, quyết định đó có những vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác chỉ có quyền khiếu nại đến cấp Toà án có thẩm quyền để đề nghị được xem xét. Nhưng một thực trạng hiện nay đang diễn ra là người dân và các cơ quan tổ chức đang lạm dụng quyền khiếu nại này mà không hiểu đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực. Điều 284 BLTTDS đã quy định rõ: đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị. Vì thế, những đơn thư khiếu nại này thực chất là thực hiện quyền phát hiện sai sót của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng với những quy định của pháp luật chưa chặt chẽ như hiện nay dẫn đến việc bản án, quyết định có hiệu lực nào của Toà án cũng có thể khiếu nại nên dẫn đến quá tải.

Hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại gửi đến Toà án chủ yếu là đơn đề nghị giám đốc thẩm, đơn đề nghị tái thẩm gần như không có. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi tới các Toà án, đặc biệt là TANDTC nhiều và liên tục tăng qua các năm. Nếu như số lượng đơn thụ lý năm 2005 là 9.149 đơn; năm 2006 là 10.436 đơn; năm 2007 là 11.626 đơn; năm 2008 là 11.689 đơn; năm 2009 là 22.777 đơn; năm 2010 là 14.061 đơn. Có thể thấy, số lượng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng liên tục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không nằm ngoài việc do số lượng các vụ việc dân sự mà ngành Toà

án thụ lý để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm cũng liên tục tăng, dẫn đến số lượng đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm tăng.

Bảng 1: Số lượng các vụ việc dân sự đã giải quyết, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm từ năm 2005 đến 2010 (Nguồn tổng hợp từ số liệu của Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)

Năm Tổng số vụ đã giải quyết, xét xử sơ thẩm Tổng số vụ đã giải quyết, xét xử phúc thẩm 2005 117.033 14.384 2006 129.875 16.329 2007 153.531 17.413 2008 157.096 16.825 2009 177.417 15.893 2010 180.022 13.032

Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng liên tục nhưng chất lượng đơn đề nghị, đơn khiếu nại rất hạn chế. Khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực là đương sự có thực hiện ngay việc khiếu nại, họ không cần biết đến việc Toà án cấp dưới ra bản án, quyết định có đúng pháp luật hay không? Mà hoàn toàn khiếu nại bằng cảm tính. Nếu như ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đương sự muốn khởi kiện, hay kháng cáo phải nộp án phí và người thua kiện sẽ phải chịu án phí nên họ cân nhắc trước khi đi kiện. Nhưng việc khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm không ràng buộc bất cứ điều kiện gì với người đi khiếu nại nên họ khiếu nại theo tâm lý “cầu may”. Chính điều nay dẫn đến chất lượng đơn khiếu nại rất thấp, và gây sức ép, quá tải cho ngành Toà án.

Việc này được thể hiện trong các báo cáo tổng kết ngành Toà án từ năm 2005 đến 2010 thì số lượng đơn khiếu nại và kết quả giải quyết đơn khiếu nại của TANDTC (xem Bảng 2)

Như vậy, tỷ lệ các bản án, quyết định bị kháng nghị so với số lượng đơn khiếu nại là nhỏ. Có thể thấy tình trạng số lượng đơn khiếu nại tuy nhiều nhưng chất lượng của đơn khiếu nại thì chưa cao, hầu hết là các đơn thư khiếu nại không có căn cứ kháng nghị, hoặc không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện

thụ lý. Trong năm 2008, Toà Dân sự TANDTC nhận được 11.331 đơn khiếu nại thì có 480 đơn không đúng thẩm quyền; 923 đơn không đủ điều kiện thụ lý; Năm 2009 nhận được 19.627 đơn thì có 1.629 đơn không thuộc thẩm quyền, 1.365 đơn không đủ điều kiện thụ lý; Năm 2010 nhận được 13.061 đơn khiếu nại thì có 621 đơn không đúng thẩm quyền và 875 đơn không đủ điều kiện thụ lý. Hiện nay, BLTTDS chưa có những quy định chi tiết về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm và những yêu cầu đối với đơn khiếu nại nên người dân chưa thực hiện được quyền khiếu nại hiệu quả. Vì vậy, đòi hỏi pháp luật TTDS phải có những quy định cụ thể về vấn đề này.

Bảng 2: Tình hình giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC (Nguồn tổng hợp từ số liệu của Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)

Năm Số lượng đơn khiếu nại Đã giải quyết Trả lời đơn Kháng nghị Tỷ lệ kháng nghị 2005 9.139 7.071 6.827 214 3% 2006 10.436 7.615 7.314 301 4% 2007 11.626 5.355 5.032 323 6% 2008 11.689 8.258 7.736 522 6,3% 2009 22.777 6.907 6.085 822 11,9% 2010 14.061 6.366 5.621 745 11,7%

Một vấn đề luôn đặt ra hiện nay cho ngành Toà án nói chung và TANDTC nói riêng là việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm như thế nào để thoả đáng lòng dân, để không gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong những năm qua, các Toà án đã thực hiện tốt việc tiếp công dân, tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại. Bên cạnh việc các đơn vị chức năng tiếp công dân, lãnh đạo TAND các cấp đã dành nhiều thiều gian lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, giải đáp nhiều thắc mắc của công dân và gắn việc tiếp dân với việc xem xét giải quyết khiếu nại của công dân đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Các Toà án đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết đơn khiếu nại, đơn đề nghị

giám đốc thẩm, tái thẩm; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban tư pháp Quốc hội…hay các ý kiến đóng góp, chuyển đơn của các cơ quan báo chí nhằm khắc phục những sai sót và đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả chất lượng của công tác này.

Tuy nhiên, do lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá nhiều đã gây sức ép rất nặng đến ngành Toà án, thêm vào đó biên chế cán bộ thì hạn hẹp nên việc giải quyết đơn khiếu nại còn chậm, gây tâm lý bức xúc cho người dân. Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ TANDTC đã tuyển dụng, bổ sung thêm nguồn cán bộ, thẩm tra viên nhưng họ đều là những cử nhận luật mới tốt nghiệp ra trường, chưa có kinh nghiệm xét xử thực tế, chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử mà lại có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, phát hiện những sai lầm trong những bản án, quyết định của những thẩm phán đã qua nhiều năm xét xử, thậm chí thẩm phán TANDTC. Hay ở TAND cấp tỉnh thì những cán bộ công tác ở Phòng kiểm tra giám đốc là những thẩm phán bị kỷ luật không đủ điều kiện tái bổ nhiệm hoặc những người không có đủ điều kiện để bổ nhiệm thẩm phán. Họ là những người nghiên cứu hồ sơ khi có khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm, đưa ra đề xuất và báo cáo với Uỷ ban thẩm phán TAND tỉnh. Đây là một điều bất cập trong quy chế tổ chức cán bộ của ngành Toà án, và điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại của nhân dân, đảm bảo được tính ổn định, trật tự, pháp chế XHCN thì cần có những giải pháp mang tính tổng thể về mặt pháp lý và con người.

Một phần của tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (Trang 51 - 54)