2. CƠ SỞ CHO SỰ HÌNH THÀNH VÀ NHỮNG THUẬN LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG TẠI VIỆT NAM
2.1. Sự phát triển của Internet tại Việt Nam
Sự hình thành và phát triển của mạng Internet đã tạo điều kiện để phát triển các ứng dụng trên mạng tại Việt Nam, trong đó có quảng cáo trên mạng. Mạng Internet Việt Nam bắt đầu hoạt động từ ngày 19 tháng 11 năm 1997, và ngày càng trở thành một phương tiện quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý nhà nước. Có thể nói Việt Nam đã có một mạng viễn thông hiện đại, nhưng quy mô còn nhỏ, tốc độ truy cập Internet còn thấp, đôi khi tắc nghẽn, ảnh hưởng tới tốc độ phổ cập dịch vụ Internet tại Việt Nam. Mạng lưới viễn thông Việt Nam gồm 3 tuyến cáp quang nối với quốc tế, ngoài ra còn có hệ thống thông tin tín hiệu vệ tinh và một đường cáp quang chạy từ Bắc vào Nam, có các tuyến chính ở trên 20 tỉnh, thành phố, không kể đến các tuyến phụ.
Việc mở rộng băng thông gần đây lên 106 Mbps giúp cho dung lượng kênh thuê bao của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trong khu vực, đạt con số xấp xỉ Thái Lan và còn nhỉnh hơn cả Malaisia.
Thị trường Internet phát triển rất nhanh ở Việt Nam, với tốc độ phát triển gần 200%/ năm với xu hướng ngày càng tự do hơn tạo điều kiện giảm cước phí và nâng cao chất lượng các dịch vụ trên mạng. Trước đây, việc cung cấp các dịch vụ Internet chịu sự độc quyền rất lớn của các đơn vị nhà nước và việc kiểm soát thông tin ra vào của nhà nước thông qua các bức tường lửa đã làm chậm tốc độ đường truyền và làm cho cước phí truy cập của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc ký kết Hiệp định thương mại Việt- Mỹ với các điều khoản yêu cầu Việt Nam phải tự do hóa lĩnh vực viễn thông nói chung và Internet nói riêng, việc gia nhập WTO của Việt Nam trong tương lai đã đặt ra yêu cầu và áp lực phải tự do hóa viễn thông và Internet. Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra điều này và đã có một loạt các văn bản trong năm 2001 nhằm tự do hóa ngành viễn thông nói chung và Internet nói riêng bao gồm cam kết cắt giảm phí Internet 40% trong năm 2002 và giảm mức cước viễn thông xuống bằng với mức trong khu vực. Chính phủ cũng thông báo sẽ mở cửa 30% khu vực viễn thông do nhà nước độc quyền vào năm 2005. Tối đa 40% của 11 tỷ được dành riêng cho đầu tư vào viễn thông từ nay cho đến năm 2010 sẽ được huy động từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ cũng có chính sách sẽ loại bỏ dần chế độ kiểm soát thông tin bằng các bức tường lửa mà trước hết là tại các khu công nghệ cao và các công viên phần mềm.
Nghị định 55/CP ngày 23/8/2001, được coi là khung pháp lý quan trọng tạo cơ hội mới cho Internet Việt Nam phát triển. Trước khi nghị định 55/CP ra đời, chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ kết nối là VDC và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trên thị trường đều là các doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể trở thành ISP nếu được Tổng cục bưu điện cho phép. Trong năm 2002, Tổng cục bưu điện đã cấp giấy phép hoạt động cho 15 nhà cung cấp
dịch vụ Internet mới, bổ sung vào đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ Internet trước đây là VDC, FPT, Netnam, Saigon Postel và Vietel. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài sẽ được phép tham gia vào thị trường Việt Nam từ năm 2002. Dự kiến, các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài sẽ tham gia cạnh tranh với các nhà cung cấp trong nước trước cuối năm 2003. Ngày 2/5/2002, Tổng Cục Bưu Điện đã chính thức cấp giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) cho hai nhà cung cấp mới là FPT và Vietel, chấm dứt sự tồn tại độc quyền của VDC trong vai trò IXP duy nhất trong gần 5 năm qua.
Như vậy, thị trường Internet đã thực sự cạnh tranh hơn và người sử dụng có lợi hơn. Dịch vụ truy cập Internet công cộng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp cận và khai thác nguồn tri thức vô tận trên Internet. Sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các hình thức đại lý Internet hay các điểm truy nhập cà phê Internet với mức giá rẻ chỉ khoảng 3000 VND/ giờ đã đã tạo điều kiện cho những người chưa có điều kiện nối mạng có thể dễ dàng truy cập vào Internet, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Hiện nay có 10 tỉnh, thành phố có thể truy cập trực tiếp và 61 tỉnh thành phố truy cập gián tiếp vào Internet. Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam, cụ thể là VDC, đã đưa Internet đến tận các vùng nông thôn thông qua các trạm bưu điện văn hóa xã. Tính đến cuối năm 2001, đã có 12 điểm bưu điện văn hóa xã tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Hiện tại, các ISP đang cạnh tranh gay gắt tập trung vào việc giảm giá cước thông qua các hình thức dịch vụ mới như VNN 1268, VNN 1269 và Internet thẻ (Inetrnet card). Hai hình thức này đã làm gia tăng đáng kể số lượng người sử dụng Internet. Trong vòng 3 tháng kể từ khi VDC giới thiệu dịch vụ VNN 1268 và VNN 1269, số lượng người sử dụng Internet tăng 17.700 người. Từ ngày 6/6/2001, FPT bắt đầu triển khai hình thức truy cập mạng trả tiền trước lần đầu tiên có ở Việt Nam. Không lâu sau đó, VDC cũng đưa ra các Internet card của mình. Tính hấp dẫn của Internet card là nó không tính cước thuê bao và phí hoà mạng và mức cước sử dụng Internet giảm 30- 70% (tùy thuộc thời
điểm kết nối) so với hình thức thanh toán mà các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam hiện đang áp dụng. Thành công của hình thức dịch vụ này thể hiện qua số lượng khách hàng sử dụng Internet đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn số lượng khách hàng sử dụng Internet card của FPT đã tăng 3 lần kể 1/7/2001. Theo hệ thống quản lý của FPT Internet, thời gian truy cập Internet của khách hàng cũng tăng lên gấp nhiều lần. Gần đây, VNPT bắt đầu giới thiệu tại Hà Nội, TPHCM và Hải phòng dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao ISDN và ADSL cho tốc độ truy cập nhanh tương ứng gấp 2 lần và 40 lần dịch vụ thường, dành cho khách hàng là các doanh nghiệp và các tổ chức cần sử dụng Internet với tốc độ cao.
Internet ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tiếp cận ngày càng dễ dàng với phương tiện truyền thông hiện đại này. Theo kế hoạch phát triển Internet Việt Nam nằm trong kế hoạch tổng thể về CNTT giai đoạn 2001- 2005, từ nay cho đến năm 2005, chính phủ sẽ dành ưu tiên cho phát triển mạng lưới viễn thông và Internet hiện đại, an toàn và rộng khắp trên cả nước; phát triển cơ sở hạ tầng CNTT ở khu vực nông thôn; xây dựng xa lộ thông tin quốc gia tốc độ cao và dung lượng lớn; cung cấp các dịch vụ truy cập mạng băng truyền lớn (sử dụng công nghệ cáp quang, mạng không dây và vệ tinh,… ) cho mỗi hộ gia đình; và phát triển các dịch vụ và ứng dụng Internet như báo điện tử, TMĐT, quản lý điện tử,… Theo kế hoạch phát triển Internet Việt Nam giai đoạn 2001- 2005 đến năm 2005 sẽ có từ 3 đến 5 IXP, từ 30 đến 40 ISP cùng nhiều OSP được cấp giấy phép hoạt động, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được kết nối bằng cáp quảng băng rộng. Năm 2010, xa lộ thông tin quốc gia nối tới tất cả các huyện và nhiều xã trong cả nước bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác. Ít nhất 30% số thuê bao có khả năng truy cập viễn thông và Internet băng rộng.