- Phân tích công việc:
Phân tích công việc có ý nghĩa quan trọng bởi vì nhờ có phân tích công việc mà người quản lý xác định được các kỳ vọng của mình đối với người lao động và làm cho họ hiểu được các kỳ vọng đó; và nhờ đó, người lao động cũng hiểu được các nhiệm vụ, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong công việc. Đồng thời phân tích công việc là điều kiện để có thể thực hiện được các hoạt động quản trị nguồn nhân lực nói chung và công tác tuyển dụng nói riêng một cách đúng đắn và có hiệu quả thông qua việc đưa ra các quyết định nhân sự dựa trên các tiêu thức có liên quan đến công việc chứ không phải dựa trên những tiêu chuẩn mơ hồ và mang tính chủ quan.
Một nhà tuyển dụng không thể tuyển chọn đúng nhân viên, đặt đúng người vào đúng việc nếu không biết mô tả và phân tích đúng công việc. Mục đích chủ yếu của phân tích công việc là hướng dẫn, giải thích, cách thức xác định một cách chi tiết các chức năng nhiệm vụ chủ yếu của công việc và cách thức xác định nên tuyển chọn hay bố trí những người như thế nào để thực hiện công việc tốt nhất. Kết quả của phân tích công việc được sử dụng để mô tả công việc đang tuyển người và đăng quảng cáo về các vị trí việc làm mới. Đặc biệt được sử dụng để xác định các kỹ năng và các hoạt động của người dự tuyển, lấy đó làm tiêu thức để ra quyết định lựa chọn ứng cử viên nào.
- Đánh giá thực hiện công việc:
Đánh giá thực hiện công việc là một hoạt động quản lý nguồn nhân lực quan trọng và luôn luôn tồn tại trong tất cả các tổ chức. Đánh giá thực hiện công việc ngoài mục tiêu cơ bản là cải tiến sự thực hiện công việc của
người lao động, nó còn giúp cho người quản lý có thể đưa ra được các quyết định nhân sự đúng đắn. Dựa vào kết quả của đánh giá thực hiện công việc, người quản lý có thể xác định được nhân viên đã hoàn thành công việc hay chưa? Và đã hoàn thành được với khối lượng là bao nhiêu? nếu chưa hoàn thành phải chăng công việc đó cần phải bổ sung nhân lực? khi đó các kết quả đánh giá là cơ sở để xác định nhu cầu nhân lực cần tuyển cho từng vị trí công việc. Thông qua đánh giá thực hiện công việc còn phục vụ cho việc đánh giá công tác tuyển dụng đã đúng đắn và hiệu quả hay chưa, từ đó có các phương hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Như vậy, phân tích công việc và đánh giá thực hiện công việc là các nhân tố có tác động rất lớn tới công tác tuyển dụng, tới chất lượng và hiệu quả của công tác tuyển dụng. Nếu các hoạt động này được thực hiện tốt thì sẽ làm tiền đề vững chắc cho công tác tuyển dụng và ngược lại nếu chúng không được đầu tư đúng mức thì sẽ kéo theo sự thất bại của công tác tuyển dụng.