Quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Một phần của tài liệu 320 Giải pháp phòng, chống rửa tiền qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam (Trang 46 - 51)

5 Phát hiện rửa tiền trong vụ án công ty xăng dầu Hàng không, Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 28/0/200.

2.3.3.Quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam

2.3.3.1. Tự do hóa chu chuyển vốn quốc tế

Pháp lệnh ngoại hối được Quốc hội ký ban hành vào ngày 13/12/2005 và có hiệu lực từ ngày 01/06/2006. Theo đó, các giao dịch vãng lai cũng như các giao dịch vốn đều được tự do hóa và nguy cơ rửa tiền sẽ rất cao.

Các giao dịch vãng lai được đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép mua chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của cá nhân. Đây là một trong những cải cách triệt để nhất trong Pháp lệnh ngoại hối. Theo đó người cư trú sẽ được phép tự do hơn nữa trong việc mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Đối với người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ tương ứng có các nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam cũng được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài. Đây là một bước đột phá mới trong quá trình tiến tới tự do hóa hoàn toàn các giao dịch vãng lai bởi trước đây khi các doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu ngoại tệ trong các giao dịch vãng lai đều phải xin NHNN cấp phép.

Chủ trương xóa bỏ việc cấp giấy phép mua chuyển ngoại tệ ra nước ngoài một mặt phù hợp với những cam kết của Chính phủ với các đối tác quốc tế trong quá trình xóa bỏ những rào cản trong các giao dịch thương mại nhưng mặt khác chúng lại tạo ra một nguy cơ mới cho các loại tội phạm lợi dụng kẽ hở này để thực hiện những hành vi rửa tiền ở quy mô lớn. Trong điều kiện hệ thống quản trị rủi ro và năng lực của các NHTM ở nước ta vẫn còn đang rất yếu kém thì việc nhận diện những nguồn gốc từ các hành vi rửa tiền của các khách hàng quả thật không phải đơn giản. Các tội phạm rửa tiền có khả năng qua mặt hệ thống kiểm soát của các

định chế tài chính và các ngân hàng bằng cách chia các khoản ngoại tệ ra thành nhiều các khoản nhỏ và sau đó chuyển dần ra nước ngoài.

Về các giao dịch vốn, theo pháp lệnh ngoại hối thì các cá nhân được tự do vay nợ nước ngoài. Dễ thấy ngay rằng nguy cơ rửa tiền từ chủ trương nới lỏng này là rất cao. Các tội phạm trong nước và quốc tế giờ đây đã có thêm một miền đất hứa mới mà trước đây họ khó có cơ may xâm nhập để có thể thực hiện các hành vi rửa tiền ngay trên lãnh thổ Việt Nam thông qua các mối quan hệ cá nhân như kiều hối. Đây chính là những mối quan hệ khó kiểm soát nhất và trong bối cảnh cơ chế giám sát của các định chế tài chính và của các cơ quan chức năng như công an, tư pháp vẫn còn chưa theo kịp với những yêu cầu mới của một dạng tội phạm kinh tế mới.

Một mảng giao dịch vốn nữa cũng cần chú ý, đó là việc cá nhân được cho vay và đầu tư ra nước ngoài. Khi đã chấp nhận cho các cá nhân vay nợ nước ngoài thì cũng có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục cho phép họ được quyền cho vay và thu hồi nợ nước ngoài.

Nói một cách khác quá trình đi vay, cho vay và trả nợ nước ngoài chính là một bước cụ thể hóa hơn nữa những chủ trương tự do hóa đến mức cao nhất có thể được các giao dịch trên tài khoản vốn. Như vậy nếu như việc cho phép các cá nhân được phép vay nợ nước ngoài đã tạo ra một nguy cơ cho các hoạt động rửa tiền quốc tế xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì việc cho phép các cá nhân được tự do cho vay và trả nợ nước ngoài lại tạo ra một nguy cơ rửa tiền từ trong nước ra quốc tế. Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 22 ngày 14/04/1999 nhưng chỉ đối với các doanh nghiệp, còn các cá nhân thì chưa được phép. Hiện nay, pháp lệnh ngoại hối đã cho phép cá nhân được đầu tư ra nước ngoài. Đây là một xu thế phù hợp với các cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, lại có quan điểm cho rằng nếu cho các cá nhân được phép đầu tư ra nước ngoài, có khả năng Chính phủ sẽ không kiểm soát được hết các giao dịch này và do đó dẫn đến một nguy cơ làm thất thoát vốn và nguy cơ rửa tiền. Đó là chưa kể, đầu tiên là họ sẽ đầu tư ra nước ngoài nhưng sau đó họ lại có thể chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực tiêu dùng hoặc là đầu tư tài chính, hoặc là đầu tư vào bất động sản v.v... là những lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam rất hạn chế và không khuyến khích. Nhưng nguy cơ hơn cả, theo những khuyến nghị của tổ

chức chống rửa tiền quốc tế, đây chính là một hình thức rửa tiền ở giai đoạn cuối dưới dạng thâu tóm lại các khoản tiền đã phân tán trước đây của các tội phạm rửa tiền, nơi mà các loại tiền bẩn đã được tẩy sạch hoàn toàn và được thể hiện cuối cùng ở các khoản đầu tư tài chính, bất động sản và các tài sản quý hiếm khác.

Vấn đề càng được mở rộng ra hơn nữa, đó là các doanh nghiệp được phép phát hành chứng khoán ra nước ngoài. Theo đó, không những Chính phủ được phép phát hành trái phiếu ngoại tệ ra nước ngoài mà các NHTM và các tổng công ty lớn cũng được phép phát hành chứng khoán ra nước ngoài. Theo những khuyến cáo của tổ chức chống rửa tiền quốc tế, quá trình niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài cũng là một kênh thoát vốn quan trọng cho các hoạt động rửa tiền thông qua việc các tội phạm lập ra các công ty cổ phần hợp pháp rồi sau đó niêm yết cổ phiếu ra thị trường chứng khoán quốc tế.

2.3.3.2. Sự phát triển các công cụ phái sinh

Các định chế tài chính và các cá nhân hiện nay được phép thực hiện các giao dịch phái sinh trên thị trường như các giao dịch quyền chọn vàng và ngoại tệ, các giao dịch hoán đổi, hợp đồng kỳ hạn và trong tương lai sẽ có hợp đồng giao sau. Đặc biệt gần đây NHNN đã cho phép các định chế tài chính và cá nhân thực hiện giao dịch quyền chọn đồng Việt Nam và ngoại tệ.

Nếu như trước đây các cá nhân có xu hướng găm giữ ngoại tệ hoặc đầu tư vào bất động sản hoặc vàng thì giờ đây để tránh tình trạng đồng Việt Nam bị mất giá họ sẽ thực hiện các giao dịch quyền chọn đồng Việt Nam và ngoại tệ. Tuy nhiên đó là đối với những doanh nghiệp và cá nhân hoạt động chân chính, còn đối với các tội phạm rửa tiền, đây là một cơ hội để họ có thể chuyển hóa một cách hợp pháp những đồng Việt Nam có nguồn gốc phạm tội và chuyển hóa ra thành ngoại tệ mạnh. Sau đó họ sẽ xin phép mở tiếp một tài khoản ngoại tệ cá nhân và tiếp tục sử dụng một cách hợp pháp số ngoại tệ này để chuyển ra khỏi lãnh thổ.

Những tên tội phạm rửa tiền sẽ bất chấp các diễn biến trên thị trường ngoại hối như thế nào, họ vẫn sử dụng các quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam bất chấp những dự đoán trong tương lai các diễn biến tỷ giá là như thế nào. Họ chấp nhận mất một khoản phí và thậm chí cả lỗ để thực hiện quyền mua cho được ngoại tệ một cách công khai từ các NHTM, bởi lẽ mục đích của các

tội phạm không phải là phòng ngừa rủi ro mà là chuyển hóa từ đồng nội tệ sang ngoại tệ. Nguy cơ càng hiện hữu hơn nữa trong bối cảnh NHNN đang có chủ trương đơn giản hóa việc cấp giấy phép hoạt động ngoại hối theo hướng nếu các định chế tài chính đã được cấp phép hoạt động thì họ sẽ được thực hiện bất kỳ các giao dịch nào với khách hàng (mà không cần phải xin phép một lần nữa). Các tội phạm rửa tiền sẽ thực hiện các giao dịch phái sinh tại các ngân hàng nào có năng lực quản lý yếu kém và không có cơ chế giám sát các giao dịch có rủi ro một cách có hiệu quả.

2.3.3.4. Rửa tiền điện tử

Ngân hàng điện tử là một khái niệm dùng để chỉ việc thực hiện các giao dịch nhằm chuyển giao thông tin, sản phẩm và dịch vụ bằng các phương tiện điện tử như điện thoại, internet, máy ATM. Các giao dịch này được thực hiện một cách nhanh chóng và rộng khắp trên toàn thế giới. Gần như toàn bộ các sản phẩm của ngân hàng hiện đại ngày nay đều được thực hiện qua ngân hàng điện tử như: thẻ tín dụng, các khoản vay, các khoản tiền gửi, chuyển tiền điện tử, thanh toán hối phiếu, …

Quy trình phổ biến về giao dịch tiền điện tử có thể được tóm tắt như sau: thông qua Internet, người sở hữu chữ ký điện tử sẽ ký và chuyển thông điệp điện tử đi. Thông điệp điện tử sẽ được nhà cung cấp chứng thực số (Certification Authority – CA) xác nhận trước khi được chuyển đến ngân hàng. Một khi thông điệp đã được CA xác nhận, thì ngân hàng đã được bảo đảm rằng thông điệp đó đúng là của người chủ sở hữu hợp pháp gửi đến và ngân hàng sẽ thực hiện lệnh thanh toán cho khách hàng. Công nghệ ngày nay cũng đã phát triển các loại hình tiền điện tử mới mà việc chu chuyển, thanh toán không nhất thiết phải qua một trung gian tài chính ngân hàng, đó là các dạng thẻ thông minh (IC card - Intergrated Circiut Card). IC Card được thiết kế dưới dạng Plastic và được gắn sẵn 1 lớp IC dẻo. Phương pháp thanh toán lưu giữ giá trị số trên mạch IC là một công nghệ xuất sắc. Thẻ được sử dụng nhiều lần thông qua việc nạp tiền qua ATM hoặc mạng khi số tiền điện tử đã được tiêu hết. Thẻ có thể lưu giữ tiền hoặc chữ ký điện tử đồng thời có thể lưu giữ từ 2Mb - 8 Mb.

Bên cạnh những tiện lợi mà ngân hàng điện tử mang lại thì ngân hàng điện tử cũng dễ dàng bị tấn công bởi nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố bởi những người thực hiện các giao dịch này dễ dàng ẩn danh.

Các NHTM Việt Nam hiện nay đã và đang chuyển đổi dần cách thức giao dịch của một ngân hàng truyền thống sang ngân hàng điện tử. Đây là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển thành một ngân hàng hiện đại và như vậy các NHTM Việt Nam cũng không tránh khỏi nạn rửa tiền điện tử.

Rửa tiền theo các cung cách truyền thống đã là một vấn đề nghiêm trọng, các công nghệ tiền điện tử mới chắc chắn sẽ là một động lực thúc đẩy nạn rửa tiền ngày càng bành trướng trên bình diện toàn thế giới, cũng như sẽ làm phức tạp hóa công việc phòng, chống nó.

Kết luận chương 2

Nội dung chương 2 đã phản ánh thực trạng hoạt động rửa tiền tại Việt Nam trong các năm qua là vô cùng phức tạp và khó kiểm soát. Vấn nạn này đang phát triển ngày càng nhanh với mức độ tinh vi ngày càng cao. Việt Nam đang trở thành mục tiêu của bọn tội phạm rửa tiền do trình độ quản lý và kiểm soát còn yếu kém. Mức độ sử dụng tiền mặt và các luồng chuyển tiền không chính thức khá lớn khiến cho việc kiểm soát các giao dịch, thanh toán trở nên khó khăn.

Những hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự do khung pháp lý về vấn đề này chưa hoàn chỉnh. Nghị định 74 về phòng, chống rửa tiền chỉ mới tập trung trong lĩnh vực ngân hàng trong khi đó nạn rửa tiền có thể được thực hiện ở mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị định 74 đã thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trước vấn nạn rửa tiền. Trong tương lai chắc chắn Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống rửa tiền cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho cuộc chiến chống rửa tiền.

Đứng trước yêu cầu hội nhập quốc tế, Việt Nam đang từng bước thực hiện “mở cửa” trên một số lĩnh vực và đặc biệt ngân hàng là lĩnh vực hoàn toàn mở trong cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và như vậy, những nguy cơ dẫn đến hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng là rất lớn. Những giải pháp về phòng và chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng được trình bày trong chương 3 sẽ góp phần kiểm soát được vấn nạn trên.

Một phần của tài liệu 320 Giải pháp phòng, chống rửa tiền qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam (Trang 46 - 51)