Các công cụ và nghiệp vụ tài chính hiện có

Một phần của tài liệu Ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá để phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 62 - 64)

7. KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI: BỐ CỤC LUẬN ÁN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU THEO BA CHƯƠNG

2.1.3.Các công cụ và nghiệp vụ tài chính hiện có

Hiện nay các công cụ và nghiệp vụ tài chính nước ta phát triển tương đối đa dạng, gắn liền với sự phát triển của công nghệ tài chính ngân hàng hiện đại. Đặc biệt, trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ ngân hàng.

Các công cụ tài chính phái sinh như mua bán chứng khoán; mua bán ngoại tệ kỳ hạn… các nghiệp vụ này đang được áp dụng phổ biến tại các định chế tài chính Việt Nam (NHTM, công ty chứng khoán…).

Nghiệp vụ mua bán ngoại tệ giao ngay hiện đang được thực hiện phổ biến và được các doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn so với các công cụ phái sinh, mua bán kỳ hạn. Theo đó, ngân hàng đứng ra mua hoặc bán một loại tiền này lấy một loại tiền khác và hưởng phí dịch vụ.

Trên thị trường tài chính ngày nay, việc mua bán ngoại tệ thông qua hệ thống ngân hàng thường có mức độ rủi ro cao. Do vậy, việc sử dụng đồng thời mua bán giao ngay và công cụ phái sinh là cần thiết để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, phát triển công cụ phái sinh có yêu cầu cao, đặc biệt ngân hàng phải có chuyên môn cao.

Về nghiệp vụ quyền chọn: quyền chọn ngoại tệ (option ngoại tệ); hoán đổi ngoại tệ. Riêng đối với nghiệp vụ quyền chọn ngoại tệ mới chỉ được một số NHTM thực hiện theo sự cho phép của NHNN Việt Nam như EXIMBANK; HSBC; ANZ; VCB; ACB…

Nghiệp vụ môi giới: môi giới tiền tệ, môi giới chứng khoán. Đây là nghiệp vụ chính của các công ty chứng khoán. Riêng nghiệp vụ môi giới tiền tệ vẫn áp dụng ở mức hạn chế (thí điểm tại một số NHTM và nhu cầu khách hàng sử dụng thấp).

Chiết khấu thương phiếu và giấy tờ có giá: Hiện đã có hành lang pháp lý về thương phiếu và chiết khấu thương phiếu. Tuy nhiên, mức độ sử dụng hiện nay trên thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn thấp. Chủ yếu là chiết khấu giấy tờ có giá như trái phiếu; chứng chỉ tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tín dụng.

Các nghiệp vụ ngân hàng: Sự phát triển của công nghệ ngân hàng hiện đại đã góp phần hiện đại hóa các nghiệp vụ ngân hàng truyền thống và phát triển thêm các nghiệp vụ ngân hàng mới, nhất là các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Trong đó, có thể kể đến các nghiệp vụ sau:

Về các nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng bao gồm nghiệp vụ nhận tiền gửi; cấp tín dụng; dịch vụ két sắt (bảo quản, giữ hộ vật có giá, quan trọng); cung cấp các dịch vụ ủy thác… Đây là một bước tiến lớn trong hoạt động ngân hàng mà rõ nét nhất là việc chuyển từ tác nghiệp thủ công sang tác nghiệp trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin. Việc sử dụng công nghệ thông tin làm cho công việc nhanh chóng, chính xác hơn và tạo thuận lợi nhiều hơn cho khách hàng.

Nhận tiền gửi của khách là một trong những kênh giúp NHTM tăng nguồn vốn huy động, đây là nguồn vốn quan trọng bởi sự tương đối ổn định và giá huy động rẻ. Tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là nguồn vốn giúp các NHTM có điều kiện tăng cường cho vay giúp cho khách hàng có điều kiện tăng cường sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng mang về cho ngân hàng một khoản lợi nhuận đáng kể.

Nghiệp vụ tín dụng bao gồm cho vay, bảo lãnh, bao thanh toán, thuê mua tài chính… là nghiệp vụ cơ bản, gắn liền với sự ra đời và phát triển của NHTM.

Dịch vụ giữ hộ tài sản như vàng, các loại giấy tờ có giá, những tài sản quý khác, những giấy tờ quan trọng của khách hàng. Từ nhiều năm nay, các ngân hàng đã thực hiện việc quản lý tài sản và quản lý hoạt động tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp thương mại. Theo đó, ngân hàng sẽ thu phí trên cơ sở giá trị của tài sản hay quy mô vốn họ quản lý. Chức năng quản lý tài sản này được gọi là dịch vụ ủy thác. Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp cả hai loại dịch vụ ủy thác thông thường cho cá nhân hộ gia đình và ủy thác thương mại cho các doanh nghiệp.

Sự phát triển của ngân hàng dưới sự tác động của công nghệ mới nhất là công nghệ điện tử tin học làm xuất hiện những dịch vụ mới mang lại tiện ích cho khách hàng như: cho vay tiêu dùng; tư vấn tài chính; quản lý tiền mặt; dịch vụ thuê mua tài chính; cho vay tài trợ dự án; cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán buôn, bán lẻ; trong đó đáng kể là ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử như dịch vụ thẻ ngân hàng (ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng…); dịch vụ internet banking; home banking; chuyển tiền điện tử; thanh toán trực tuyến …

Một phần của tài liệu Ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá để phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 62 - 64)