Lĩnh vực ứng dụng chứng khoán hóa và các tài sản chứng khoán hóa góp

Một phần của tài liệu Ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá để phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 48 - 51)

7. KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI: BỐ CỤC LUẬN ÁN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU THEO BA CHƯƠNG

1.3.2.Lĩnh vực ứng dụng chứng khoán hóa và các tài sản chứng khoán hóa góp

phần phát triển thị trường tài chính

Lĩnh vực ứng dụng

Chứng khoán hóa là một trong những công cụ của thị trường tài chính. Đây là công cụ của sự phát triển – phản ánh trình độ phát triển của thị trường tài chính hiện đại (như trong phần lịch sử phát triển của chứng khoán hóa đã phân tích ở trên). Chứng khoán hóa chính thức xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ vào năm 1970 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1990 – 2007 ở một số nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển. Trong quá trình đó, lĩnh vực ứng dụng của chứng khoán hóa trong vai trò là công cụ tài chính, được ứng dụng trực tiếp vào thị trường chứng khoán – nhằm tăng cung hàng hóa cho thị trường, đa dạng hóa hàng hóa cho thị trường chứng khoán.

Các tài sản chứng khoán hóa

Các loại tài sản có thể chứng khoán hóa bao gồm những loại chủ yếu sau:

- Các khoản cho vay thế chấp bất động sản

Bao gồm các khoản cho vay mua nhà, cho vay cải tạo nhà ở, cho vay hàng hải, cho vay xây dựng nhà xưởng sản xuất. Các khoản cho vay thế chấp bất động sản này là những tài sản cơ sở để thực hiện kỹ thuật chứng khoán hoá dựa trên thế chấp bất động sản tạo nên các chứng khoán có thế chấp đảm bảo.

Chứng khoán được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp bất động sản chính là những sản phẩm đầu tiên của kỹ thuật chứng khoán hoá và cho đến nay chúng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường chứng khoán. Có thể nói chứng khoán có thế chấp bất động sản là những sản phẩm mang tính kinh điển của kỹ thuật chứng khoán hoá. Tại các nước Mỹ, Australia thì các khoản vay thế chấp bất động sản vẫn chiếm thế chủ đạo trong ngành công nghiệp chứng khoán hoá.

Tùy theo luật pháp của mỗi nước, quy định về chứng khoán có thế chấp bảo đảm được phát hành có thể khác nhau. Song về cơ bản những chứng khoán này chỉ được phát hành trên cơ sở những khoản vay có chất lượng. Tại Mỹ, những khoản vay thế chấp bất động sản được coi là chất lượng cao phải có những đặc điểm sau:

+ Bất động sản có liên quan phải được đặt tại Mỹ;

+ Khoản vay thế chấp phải có thời hạn ban đầu không quá 30 năm; + Bất động sản thế chấp phải ở vị trí địa lý thuận tiện;

+ Tỷ lệ tiền vay đối với giá trị tài sản tự có không được vượt quá 80%; + Bất động sản thế chấp đã được bảo hiểm.

Khoản vay thế chấp bất động sản phải là những khoản vay có diễn biến tốt, nghĩa là khoản vay đã tồn tại được hơn 05 năm. Điều này xuất phát từ chính thực tế của các khoản nợ mà tình trạng không trả được nợ thường xảy ra trong 05 năm đầu của khoản vay.

- Các tài sản tài chính không thế chấp bất động sản

Bao gồm có hai nhóm chính là các luồng thu nhập trong tương lai, các tài sản tài chính khác.

Đối với các luồng tiền tương lai

Còn gọi là các khoản phải thu, bao gồm các khoản phải thu hợp đồng dầu lửa và gas; phải thu thẻ tín dụng; phải thu xuất nhập khẩu; phải thu y tế; phải thu phí cầu đường; phải thu thương mại; các nguồn thu từ tiện ích công cộng…

Kỹ thuật chứng khoán hoá các luồng tiền tương lai thường được các công ty thực hiện hơn là các ngân hàng. Đối với loại tài sản này, trên thực tế năm 1996 Trung Quốc đã thực hiện chứng khoán hoá thu phí cầu đường cao tốc Vũ Hải; Hãng hàng không Philippines phát hành chứng khoán hoá đảm bảo bằng các khoản phải thu từ bán vé máy bay và Indonesia thực hiện chứng khoán hoá các khoản thu từ thẻ tín dụng quốc tế.

Chứng khoán hóa loại tài sản này (các khoản phải thu) phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thanh toán. Cụ thể:

Các khoản phải thu phải luôn xuất phát từ những khách hàng nhập khẩu có uy tín lớn hơn công ty xuất khẩu rất nhiều. Đồng thời các khoản phải thu này luôn được tách biệt khỏi rủi ro phá sản (nếu có) của bên xuất và nhập khẩu.

Các khoản phải thu luôn có mệnh giá bằng những đồng tiền mạnh. Điều kiện này nhằm đảm bảo các chứng khoán liên quan loại bỏ được rủi ro tỷ giá và rủi ro khan hiếm ngoại tệ mạnh khi tình hình kinh tế bất lợi phát sinh tại quốc gia của công ty xuất khẩu.

Đối với các tài sản tài chính khác

Các khoản thuê mua máy bay, cho vay và cho thuê xe ô tô, các khoản cho vay các công ty, hợp đồng thuê mua máy vi tính, hợp đồng giao dịch máy tính, các khoản cho vay tiêu dùng, thuê mua thương mại và thiết bị văn phòng, cho vay sinh viên… Đây là những tài sản tài chính như là cơ sở để tạo nên sản phẩm chứng khoán hoá.

Tuy nhiên, để tập hợp các tài sản được chứng khoán hoá, thì các tài sản tập hợp phải có những đặc điểm cơ bản sau: các tài sản trong cùng một tập hợp phải tương đối đồng nhất, được phép chuyển nhượng và tạo ra được những dòng tiền ở những thời điểm nhất định trong tương lai. Tập hợp tài sản được chứng khoán hoá phải tương

đối lớn, bao gồm nhiều tài sản, trong đó rủi ro của một hoặc một số ít tài sản không làm ảnh hưởng đến giá trị của tập hợp tài sản đó.

Quyền tiếp nhận các dòng tiền tạo ra từ tập hợp các tài sản trên không phụ thuộc vào sự tồn tại hay phá sản của các bên khởi tạo.

Một phần của tài liệu Ứng dụng kỹ thuật chứng khoán hoá để phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 48 - 51)