Bối cảnh trong nước và quốc tế

Một phần của tài liệu Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh quảng ninh (Trang 94 - 95)

- Địa hình: Địa hình Quảng Ninh mang tính chất là một vùng miền núi, trung du và ven biển, hình thành 3 vùng tự nhiên rõ rệt: vùng núi có diện tích gần

4.1.1. Bối cảnh trong nước và quốc tế

4.1.1.1. Bối cảnh quốc tế

Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rủi ro khác nhau như tăng trưởng kinh tế giảm, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao… do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu. Sau rất nhiều những nỗ lực của các quốc gia để kéo nền kinh tế đi lên, kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn và bất ổn. Có thể thấy hoạt động thương mại và hoạt động đầu tư của nước ta cũng chịu nhiều tác động của sự bất ổn nền kinh tế toàn cầu.

Xu thế toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư. Quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, môi trường đầu tư sẽ thay đổi không ngừng trước sự biến động của các yếu tố kinh tế toàn cầu. Môi trường đầu tư cần thiết phải có sự linh hoạt, nhanh nhạy để nắm bắt được các cơ hội cho sự phát triển và cũng cần có sự cải thiện để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngày càng cao. Bên cạnh những lợi ích của toàn cầu hoá kinh tế đó là xung đột sắc tộc và tôn giáo, tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, nạn khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia có thể gia tăng cùng với những vấn đề toàn cầu khác như đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên... buộc các quốc gia phải có chính sách đối phó và phối hợp hành động.

4.1.1.2. Bối cảnh trong nước

Thời gian trước mắt, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng cho vay; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn. Nhà đầu tư còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước… Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều…

Sự khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước càng khiến cho nguồn vốn đầu tư trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Vì vậy, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư giữa các tỉnh thành trong khu vực và trong nước đang diễn ra một cách quyết liệt.

Một phần của tài liệu Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh quảng ninh (Trang 94 - 95)