Thị trường ngoại hối của thế giới đã trở thành thị trường lớn nhất trong thị trường tài chính, với doanh số mua bán chục nghìn tỷ USD mỗi ngày. Hơn nữa, thị trường này thực chất hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Bắt đầu từ Sydney, Tokyo, LonDon và đến NewYork. Do đó, rủi ro ngoại hối có thể phát sinh vào bất cứ khi nào, ngay cả khi ngân hàng đã đóng cửa ngừng giao dịch. Trạng thái ngoại hối của ngân hàng phản ánh bốn hoạt động của ngân hàng trên thị trường ngoại hối mà chúng ta liệt kê như sau:
1.Mua và bán ngoại tệ cho khách hàng nhằm mục đích thanh toán các hợp đồng ngoại thương;
2.Mua và bán ngoại tệ cho khách hàng (hoặc cho mình) nhằm mục đích thực hiện đầu tư trực tiếp hay gián tiếp;
3.Mua và bán ngoại tệ cho khách hàng (hoặc cho mình) nhằm điều chỉnh trạng thái ngoại hối của đồng tiền đó để giảm rủi ro ngoại hối;
4.Mua và bán ngoại tệ nhằm mục đích đầu cơ trong việc dự tính sự biến động của tỷ giá.
Hai hoạt động đầu, ngân hàng thường thực hiện cho khách hàng để thu phí, và do đó, rủi ro ngoại hối ngân hàng không phải gánh chịu. Hoạt động thứ ba, ngân hàng tiến hành nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối (phòng vệ), tức là nhằm giảm rủi ro ngoại hối. Như vậy, rủi ro ngoại hối thực chất chỉ liên quan đến trạng thái ngoại hối mở (open position) đối với hoạt động mua bán mang tính chất đầu cơ (unhedged position), tức là hoạt động thứ 4. Trạng thái ngoại hối mở thường được thực hiện trong trong các giao dịch giữa các ngân hàng với nhau trên thị trường
ngoại hối và đặc biệt với các ngân hàng thương mại và các ngân hàng đầu tư những ngân hàng tạo thị trường bằng cách yết tỷ giá mua bán hai chiều “Bid – Ask” đối với các ngoại tệ giao dịch.