II. Một số giải pháp tăng cường đầu tư phát triển ngành giáo dục đào tạo Việt Nam.
4. Giải pháp về nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư.
4.3. Xây dựng mô hình quản lý giáo dục kiểu mới.
Để xây dựng được mô hình quản lý giáo dục kiểu mới trước hết phải
xây dựng và thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đây là một giải pháp hết sức quan trọng trong các nhóm giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010. Cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đặc biệt nâng cao bản lĩnh về chính trị, phẩm chất, đạo đức, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp. Có thể nói đội ngũ nhà giáo là tài sản trí tuệ lớn nhất còn cán bộ quản lý giáo dục là người quản lý lớn nhất khối trí tuệ đó. Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chuyên
nghiệp, có chất lượng cao, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Xây dựng mẫu cán bộ quản lý mới phù hợp với bối cảnh hội nhập nghĩa là: người cán bộ quản lý phải có tố chất nhân cách – trí tuệ cụ thể là phải có kiến thức mẫu mực, tác phong mẫu mực và hiệu quả mẫu mực; người cán bộ quản lý phải có tố chất quản lý nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay; có tố chất về năng lực lãnh đạo và tổ chức.
Xây dựng thang chuẩn đánh giá và đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ. Đối với các cấp có thẩm quyền, cần xây dựng chuẩn đánh giá, quy trình xem xét, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Sớm xây dựng được thang chuẩn đánh giá với những tiêu chí cụ thể về người cán bộ quản lý nhà trường. Bên cạnh đó cần mạnh dạn thay thế những cán bộ quản lý không đáp ứng được yêu cầu quản lý, sa sút về phẩm chất, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Củng cố và quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cần đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về chất lượng, có thế giới quan Marx – Lenin, trách nhiệm, tâm huyết vơi nghề giáo dục. Có sự hoạch định như vậy, nguồn cán bộ mới có sự chủ động và có sự chọn lọc, lựa chọn thích hợp, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ bối cảnh hiện nay.
Đổi mới mô hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường chuẩn hoá, cập nhật hoá, hiện đại hoá. Sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đào tạo từ NSNN, viện trợ, khoản vay và các nguồn khác. Chủ động sử dụng nguồn cán bộ và sử dụng cán bộ theo nhu cầu của guồng quay hợp tác, hội nhập.
Bên cạnh việc xây dựng và thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, để công cuộc đầu tư phát triển giáo dục – đào tạo đạt hiệu quả cần tách biệt giữa công tác quản lý trong nhà trường với công tác giảng dạy, nhất là đối với các trường đại học hiện nay. Quản lý hành chính và quản lý chuyên môn học thuật cần được tách biệt. Nghĩa là công tác giảng dạy sẽ nhằm mục tiêu nâng cao tối đa chất lượng giảng dạy còn công tác quản lý sẽ làm thế nào để quản lý hoạt động trường học một cách tốt nhất. Nói cách khác trong nền kinh tế thị trường, các trường sau khi cổ phần hoá sẽ có hội đồng quản trị điều tiết hoạt động của nhà trường sao cho đạt hiệu quả nhất nghĩa là cơ chế hoạt động sẽ như các công ty. Việc huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư sẽ được đội ngũ quản lý nhà trường điều tiết sao cho đạt hiệu quả cao nhất vì lúc này hoạt động của các trường đã cổ phần hoá là hoạt động vì lợi nhuận. Tuy nhiên hoạt động vì lợi nhuận này cũng không vì thế làm giảm chất lượng giảng dạy ở các trường đó vì họ cần phải cung cấp một dịch vụ có chất lượng mới có thể thu hút được khách hàng. Điều này giúp
cho các trường hoạt động theo cơ chế này hoạt động thực sự có hiệu quả.