Từ những kết quả nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn của việc nâng cao chất lượng dạy học môn chính trị ở trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau, luận văn đã đi đến giải quyết các vấn đề như sau:
Kế thừa và phát triển những công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giáo dục và dạy học. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện và hệ thống hóa lý luận về các giải pháp khả thi được vận dụng để nâng cao chất lượng dạy học môn chính trịở trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau.
Luận văn cũng chỉ ra rằng, phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng ta xem là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp CNH - HĐH, là điều kiện để tạo ra và phát huy lợi thế cạnh tranh quốc tế của Việt Nam về nguồn lực con người trong quá trình toàn cầu hoá. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả xã hội, trong đó các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những người trực tiếp thực hiện, có vai trò quyết định trực tiếp đến chất lượng và sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tổ chức Văn hoá và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến cáo: Mọi cuộc cải cách giáo dục đều bắt đầu từ người giáo viên. Song thực tế hiện nay ở các trường TC nói chung và trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuât Cà Mau nói riêng, chất lượng giảng dạy và học tập môn học chính trị vẫn chưa cao, việc vận dụng các phương pháp dạy tích cực còn nhiều bất cập và hạn chế, chưa tương xứng với vai trò của môn học này đối với việc đào tạo những người công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện nhiệm vụ của quá trình CNH - HĐH đất nước. Trước những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và trước thực trạng xuống cấp đạo đức và văn hoá của một bộ phận học sinh ở các trường đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc đối với xã hội ở nước ta. Vì vậy, hơn bao giờ hết, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có vai trò hết sức quan trọng.
Mặt khác, luận văn đã nêu lên được ý nghĩa và tầm quan trọng của bộ môn chính trị trong việc giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan và rèn luyện những kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, luận văn cũng chỉ ra được thực trạng dạy và học môn chính trị tại trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau.
Trên cơ sở nghiên cứu, luận văn đã xây dựng được các giải pháp tổ chức dạy học để nâng cao chất lượng dạy học môn chính trị.
Để thực hiện việc nâng cao chất lượng dạy học môn chính trị tại trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau trong thời gian tới cần các giải pháp sau đây: Nâng cao năng lực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn chính trị trong nhà trường; Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự học, tự rèn luyện của học sinh trong học tập môn chính trị; Đổi mới chương trình, nội dung môn chính trị trong các Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật theo hướng cập nhật, hiện đại; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học môn chính trịở Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau; Tăng cường động viên, khen thưởng giáo viên và học sinh có thành tích cao trong giảng dạy và học tập trong môn chính trị.
Từ những kết luận trên cho phép chúng ta đi đến khẳng định đề tài nâng cao chất lượng dạy học môn chính trị tại trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau là đề tài đúng hướng, mục đích nghiên cứu đã được thực hiện, đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học môn chính trị hiện nay.
Đề tài có thể đem vào áp dụng tại trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Cà Mau tỉnh Cà Mau cho bộ môn chính trị và làm tài liệu tham khảo ở các trường khác.