B. PHẦN NỘI DUNG
1.1.4.1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục chính trị trong
các Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật
Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo của nước ta.
Trong quá trình đổi mới, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn được đặt trong mối quan hệ khắng khít với công tác tư tưởng và lý luận. Cùng với thực tiễn đổi mới, công tác lý luận đồng thời phát triển bám sát thực tiễn, kịp thời rút ra những kết luận, giữ vai trò định hướng cho nhận thức xã hội nói chung và công tác giáo dục lý luận ở các trường TC nói riêng.
Môn chính trị là một trong những môn học quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của người học, góp phần to lớn vào sự nghiệp đào tạo con người và chiến lược phát triển nguồn nhân lực, một nhân tố quyết định
đến sự phát triển của đất nước trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước luôn luôn chỉ rõ phải đặc biệt chú ý đến công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục lý luận chính trị của các trường Đại học, Cao đẳng cũng như các trường TCCN trong cả nước.
Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII của Đảng nêu rõ: “Khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sang tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy – học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh…” [12; 41].
Trên cơ sở đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, toàn diện nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục và đào tạo. Đại hội lần thứ X của đảng ta khẳng định: “Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại” [17; 207].
Giảng dạy môn chính trị tại các trường TC là một công tác hết sức quan trọng, góp phần giữ vững nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như xây dựng thành công CNXH ở nước ta hiện nay rất cần được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về công tác tư tưởng, lý luận nhấn mạnh: “Cần đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lý luận, coi trọng chất lượng và tính hiệu quả… Phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học, dành nhiều thời gian cho việc tự học, tựđọc các tác phẩm lý luận và văn kiện của Đảng” [14; 135 – 136].
Nhằm cụ thể hóa những quan điểm của Đảng, những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Quyết định số 494/QĐ – TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 24 tháng 6 năm 2002 đã chỉ rõ: “Đổi mới phương pháp giảng dạy – học tập các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Đại
học, Cao đẳng, môn chính trị đối với học sinh các Trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phải được đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập các môn học này”[45; 1]. Nhìn chung các trường Đại học, Cao đẳng và TCCN đã không ngừng quan tâm đến việc nâng cao trình độ và chất lượng của đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn học Mác – Lênin nói chung và môn chính trị nói riêng.
Ngày 20 tháng 5 năm 2003 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 20/2003/QĐ – BGDĐT về việc ban hành chương trình môn chính trị dùng cho hệ tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở trong trường Trung học chuyên nghiệp; ngày 28 tháng 6 năm 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2010/TT – BGDĐT về việc ban hành quy định chương trình khung TCCN trong đó có môn chính trị. Từ cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không ngừng đổi mới giáo trình, tài liệu tham khảo theo hướng giảm tải, dễ tiếp thu, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, với chuyên ngành đào tạo của học sinh, để khi ra trường các em có thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Năm học 2010 – 2011, theo Thông tư số 16/2010/TT – BGDĐT, môn chính trị TCCN từ 6 đơn vị học trình chuyển thành 5 đơn vị học trình trong đó 4 đơn vị học trình lý thuyết và 1 đơn vị học trình thực hành, tương đương với 60 tiết lý thuyết và 30 tiết thực hành.
Đến Đại hội XI của Đảng xác định "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các bậc học. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội" [17; 130-131].
Tóm lại, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước là một trong những động lực cổ vũ tinh thần giáo viên trong công tác tuyên truyền chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm sớm đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển.