Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới chế độ công vụ

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 68 - 72)

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng rất coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực. Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 với các nội dung cơ bản là: đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức; đổi mới công tác quản lý; cải cách tiền lương, chế độ chính sách đãi ngộ để khắc phục tình trạng “không ít cán bộ, công chức vừa kém về đạo đức, phẩm chất vừa yếu về năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ” [11, tr.78]. Trong đó, trọng tâm của giai đoạn 2001 - 2010 là thực hiện xong về cơ bản việc cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức. Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương, Đảng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở theo hướng “xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân” [12, tr.167-168], và nhấn mạnh: “trẻ hóa đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở” [12, tr.168]. Đây là chính sách mới về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, xác định hệ thống chính trị cơ sở có cán bộ chuyên trách và không chuyên trách. Cán bộ chuyên trách có chế độ làm việc và hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước.

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng và tăng cường chỉ đạo thực hiện chế độ luân chuyển công chức theo hướng: “thực hiện chế độ bổ nhiệm công chức có thời hạn, chế độ luân chuyển công chức, tạo điều kiện cho công chức nâng cao trình độ chuyên môn và sát với dân” [11, tr.339], đồng thời, từng ngành, từng cấp “xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý, nhất

là quy hoạch người đứng đầu các tổ chức, trên cơ sở quy hoạch đó lập kế hoạch đào tạo và luân chuyển cán bộ” [13, tr.201], ngày 25-1-2002, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Nghị quyết số 11-NQ/TW Về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Nghị quyết đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý. Nghị quyết xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, các nội dung cụ thể và các giải pháp để các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở trung ương và địa phương tổ chức thực hiện đối với việc luân chuyển cán bộ. Ngày 19-2-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg Về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo. Ngày 30-11-2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Nghị quyết số 42-NQ/TW Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý, qua đó, cán bộ được rèn luyện, nâng cao trình độ và trưởng thành qua thực tiễn. Nghị quyết đánh giá tình hình công tác quy hoạch cán bộ; quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định quy hoạch; đối tượng, quy trình quản lý và thực hiện quy hoạch; xác định rõ mục đích, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch. Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, ngày 29-4-2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức. Pháp lệnh đã có nhiều nội dung được bổ sung và phát triển mới: phân định rõ cán bộ qua bầu cử, công chức hành chính và viên chức sự nghiệp, cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ ràng hơn, phạm vi điều chỉnh rộng hơn về các đối tượng cán bộ, công chức; bổ sung về chế độ công chức dự bị; quy định bổ sung đối với việc tuyển dụng thông qua xét tuyển ở các đơn vị sự nghiệp, vùng cao, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; đưa một số vị trí của cán bộ, công chức cấp xã,

phường, thị trấn vào phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh; quy định bổ sung chế độ tập sự thử việc; phân cấp rõ thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức giữa trung ương và địa phương. Trên cơ sở Pháp lệnh sửa đổi, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với cán bộ, công chức. Ngày 10-10-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP

Về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 115/2003/NĐ-CP Về chế độ công chức dự bị, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP Về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 117/2003/NĐ-CP Về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn… Nhờ đó đã quy định rõ về phân công, phân cấp trách nhiệm, thẩm quyền trong công tác quản lý cán bộ, công chức giữa các cấp hành chính, đặc biệt là trách nhiệm, thẩm quyền người đứng đầu các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công; về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của từng đối tượng cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước; đã kịp thời cụ thể hóa và thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về tách rõ hành chính với doanh nghiệp, với sự nghiệp.

Về chủ trương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg Về việc phê chuẩn kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001-2005; Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003-2005; Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg phê duyệt

Định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Việc triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán

bộ, công chức đã thu được những kết quả quan trọng: coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, làm tốt công tác phân công giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng cao về cả số lượng và chất lượng. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo từng bước được đổi mới theo hướng phù hợp với từng đối tượng. Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển của công cuộc đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế, chất lượng đào tạo bồi dưỡng còn nhiều bất cập, nhất là kiến thức mới về quản lý nhà nước, kỹ năng thực hành nghiệp vụ hành chính, tác phong hoạt động công vụ, v.v..

Đảng đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức hành chính, kiên quyết “xử lý nghiêm minh theo pháp luật và theo Điều lệ Đảng những cán bộ, đảng viên, công chức ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng” [11, tr.136] và nhấn mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tiêu cực, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là yếu tố sống còn đối với vận mệnh của Đảng. Đồng thời Đảng chỉ ra các giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm tính minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính Đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp, do nước ngoài tài trợ. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành những văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm kỷ luật hành chính như: Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2003; Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005; Luật phòng chống tham nhũngLuật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2005; Nghị định số 35/2005/NĐ-CP Quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật.

Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo “thực hiện cải cách cơ bản chế độ tiền lương cán bộ, công chức, coi chính sách tiền lương là chính sách đầu tư cho con người, cho phát triển kinh tế - xã hội” [13, tr.234] nhằm góp phần cải

thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu suất công tác của đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã triển khai nghiên cứu Đề án cải cách chính sách tiền lương từ đầu năm 2001, nổi bật là: đổi mới cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập trong khu vực hành chính sự nghiệp, nâng mức lương tối thiểu; cải cách hệ thống thang, bảng lương, phụ cấp; có chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Ngày 14-12-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP Về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 205/2004/NĐ-CP Quy định hệ thống thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước; Nghị định số 206/2004/NĐ-CP Quy định quản lý lao động, tiền lương và thu nhập trong các công ty nhà nước; Nghị định số 207/2004/NĐ-CP Quy định chế độ tiền lương, tiền thưởng và chế độ trách nhiệm đối với các thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc công ty nhà nước; Nghị định số 208/2004/NĐ-CP Về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng chính sách tiền lương mới được các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện. Chính sách tiền lương mới đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nâng cao chất lượng cuộc sống và công tác. Đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm, vừa thiếu tính tiên phong gương mẫu, vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 68 - 72)