Những bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 122 - 127)

Cải cách hành chính là sự biến đổi có tính chất cơ bản, tập trung vào những nội dung chủ yếu của hệ thống hành chính. Song cải cách hành chính

không có nghĩa là phủ định những thành tựu đã có, những ưu điểm của mô hình hành chính truyền thống, mà nó là sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo những nội dung của hành chính phát triển trên thế giới trong thời đại ngày nay. Cải cách hành chính vừa là vấn đề lý luận phức tạp, vừa là vấn đề thực tiễn nóng bỏng, do đó, nó chỉ đạt hiệu quả cao khi được nghiên cứu một cách toàn diện: từ quan điểm, nguyên tắc cải cách đến việc lập chiến lược một cách nhất quán, dài hạn, có kế hoạch kỹ lưỡng và bước đi cụ thể. Quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính 10 năm qua, từ những thành công cũng như những hạn chế, yếu kém đã cho phép rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, cải cách nền hành chính nhà nước Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bởi lẽ, cải cách hành chính nhà nước là quá trình mang tính tự giác cao, mang tính định hướng chính trị rõ ràng. Sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình cải cách nền hành chính nhà nước sẽ bảo đảm tính tự giác và tính định hướng chính trị của nền hành chính nhà nước. Nhờ đó mà bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục, đúng định hướng trong triển khai cải cách hành chính từ xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh cần xác định rõ các mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp đến tổ chức và kiểm tra thực hiện; đánh giá, kiểm điểm kết quả cải cách hành chính phải dựa vào đánh giá những mục tiêu đã đề ra cũng như tác động xã hội của cải cách hành chính.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính

Nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa, tác dụng quyết định chi phối tới hành động cụ thể trực tiếp trong cải cách hành chính. Do đó, phải coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà

nước về cải cách hành chính đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân. Điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của cải cách hành chính là quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu. Trên thực tế bài học kinh nghiệm này chưa được thực hiện một cách triệt để. Mặc dù nghị quyết của Đảng, văn bản của Chính phủ đã quy định rõ tinh thần này nhưng thiếu biện pháp cụ thể để thực thi.

Thứ ba, công tác chỉ đạo triển khai thống nhất đồng bộ từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết định

Công tác chỉ đạo triển khai thống nhất đồng bộ từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết địnhđến sự thành công của cải cách, do đó phải được duy trì và tăng cường. Cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức. Coi trọng công tác thí điểm, làm thử trong triển khai cải cách hành chính. Quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và nền hành chính phục vụ đã đặt ra nhiều vấn đề mới, chưa tổng kết được ngay, nhưng thực tiễn vẫn phải thực hiện. Thông qua thí điểm mới có điều kiện đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút ra những vấn đề cần xử lý tiếp và nhân rộng nếu thấy đúng. Các cơ chế cải cách như một cửa, khoán… đã được hình thành qua phương thức thí điểm.

Thứ tư, nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ

Nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các chương trình hoạt động của chương trình tổng thể tại các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính. Để đảm bảo tính khả thi, cần xác định các mục tiêu với mức độ phù hợp, thực hiện được trong 10 năm. Việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động không gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính của các bộ, ngành, do đó bị coi nhẹ. Cơ

chế tổ chức thực hiện các chương trình hành động, sự phân công, phối hợp giữa các bộ có liên quan chưa phù hợp với tính hệ thống của chương trình tổng thể làm ảnh hưởng tới kết quả các chương trình hành động.

Thứ năm, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong cải cách hành chính

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong cải cách hành chínhsẽ bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức và hành động của bộ máy nhà nước, phát huy đồng bộ và kết hợp chặt chẽ sức mạnh của cả cơ quan hành chính trung ương lẫn cơ quan hành chính địa phương, của cả hệ thống bộ máy hành chính và từng tổ chức cấu thành nó trong việc thực hiện các nhiệm vụ do tiến trình cải cách nền hành chính đặt ra. Ngược lại, nếu xa rời nó, xã hội tất yếu sẽ rơi vào tình trạng hoặc là vô Chính phủ, hoặc là độc đoán chuyên quyền. Vì vậy, trong cải cách nền hành chính nhà nước phải thể hiện trên nhiều mặt, từ xây dựng pháp luật đến các hoạt động tổ chức thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, biểu hiện cơ bản nhất vẫn thể hiện ở cách tổ chức và phân công quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, ở sự phân cấp giữa chính quyền trung ương và địa phương, ở chế độ giao quyền và tự chịu trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể. Hơn nữa, tiến trình cải cách hành chính phải dựa trên cơ sở pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật, bởi lẽ, quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước nói chung và cải cách hành chính nói riêng, về thực chất là quá trình tăng cường vai trò của pháp luật, làm cho pháp luật giữ được địa vị tối cao trong đời sống xã hội và Nhà nước. Trong tổ chức và vận hành bộ máy hành chính nhà nước, pháp luật phải được thực hiện thống nhất, nghiêm minh đối với mọi cá nhân và tổ chức. Hiện tượng quản lý xã hội bằng miệng, bằng thư tay phải được loại trừ. Mặt khác, tiến trình cải cách hành chính phải gắn liền với sự đổi mới về kinh tế. Ở Việt Nam, trong những năm qua, tính năng động và bản chất dân chủ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và tạo điều kiện về vật chất kinh tế - xã hội cho sự hình thành tính năng động và dân chủ của nền hành chính nhà nước. Song, tình trạng quan liêu, mất dân chủ của nền

hành chính nhà nước, sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc đổi mới nền hành chính nhà nước không được khắc phục đã có tác động tiêu cực lớn tới phát triển kinh tế và cản trở việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc, trở thành lực cản to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó cho thấy, không chỉ tùy theo thành quả mà còn phải nắm bắt kịp thời nhu cầu của đổi mới kinh tế mà từng bước đổi mới nền hành chính nhà nước. Nghĩa là, trong một số phương diện, đổi mới hành chính nhà nước phải đóng vai trò mở đường, làm “bà đỡ” cho đổi mới kinh tế, phát triển kinh tế. Với ý nghĩa đó, cải cách hành chính có thể đi trước đổi mới kinh tế trong một giới hạn nhất định. Song, xét một cách tổng thể, tiến trình cải cách hành chính phải đồng thời gắn liền với cải cách kinh tế của đất nước thì mới đạt được hiệu quả to lớn và vững bền.

Thứ sáu, tiến hành cải cách hành chính một cách đồng bộ trên cơ sở thực hiện từng bước đi vững chắc

Trước hết, cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ về nội dung và phương thức triển khai. Về nội dung, cải cách hành chính phải được thực hiện trên cả bốn phương diện: thể chế của nền hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng đội ngũ công chức nhà nước và cải cách tài chính công. Bởi lẽ, về mặt lý luận, bốn nội dung trên là những bộ phận cấu thành nền hành chính nhà nước, chúng có quan hệ mật thiết với nhau, thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và cùng tồn tại trong một hệ thống là nền hành chính nhà nước. Về mặt thực tiễn, trong nền hành chính nhà nước ta hiện nay, ở cả bốn phương diện đó đều có những mặt hạn chế cần khắc phục. Trong thời gian qua, hiện tượng không đồng bộ giữa các nội dung trong cải cách hành chính vẫn còn, đó là đổi mới thể chế tuy có tiến bộ những chậm chuyển biến về bộ máy và con người. Chính sự không đồng bộ ấy đã là một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến trình cải cách hành chính thời gian qua. Bên cạnh sự đồng bộ về nội dung, phải bảo đảm sự đồng bộ về phương thức triển khai. Để làm được điều đó, cần tiến hành cải cách hành chính ở cả tầm vĩ mô và vi mô, cả việc lớn đến

việc nhỏ, cả trong nhận thức lẫn trong tổ chức thực hiện, cả trong việc hoạch định các chương trình, kế hoạch lẫn việc áp dụng những bài bản, kỹ năng để thực hiện các chương trình, kế hoạch, cải cách cả trong lĩnh vực hành chính lẫn trong các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn khác. Ở nước ta trong thời gian qua có nhiều biểu hiện thiếu đồng bộ về phương thức tiến hành cải cách hành chính, như việc nhiều cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính ở cơ sở (tầm vi mô) hiện nay vẫn nặng tâm lý chờ đợi chủ trương của cấp trên (tầm vĩ mô), chờ đợi chương trình, kế hoạch từ cấp trên giao xuống, nhiều người tỏ ra lúng túng, chưa biết phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Thậm chí có nhiều việc trong tầm tay, không mấy tốn kém công sức, tiền của nhưng cũng không được xem xét và xúc tiến triển khai. Tâm lý chờ đợi vào cấp trên, sự bất cập về nhận thức và năng lực thực hiện của một số cán bộ thừa hành là biểu hiện của sự thiếu đồng bộ trong phương thức tiến hành cải cách hành chính, làm hạn chế đường lối, chủ trương phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Mặt khác, cải cách hành chính phải thực hiện từng bước vững chắc. Bởi lẽ, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, cải cách theo phương thức đột biến đã để lại những bài học đau đớn, đưa tới sự mất ổn định chính trị, sự rối loạn và bất mãn trong nhân dân, bản thân các nhà cải cách cũng rơi vào tình thế bị động, lỡ đà và có thể trượt vào con đường làm đổ vỡ cả chế độ. Bên cạnh đó, công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hết sức khó khăn, phức tạp, kinh nghiệm cải cách hành chính của chúng ta chưa nhiều, do đó, trong quá trình tiến hành cải cách đồng bộ lại phải xác định từng bước đi rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, cũng cần xác định các trọng tâm ưu tiên, những khâu đột phá cần làm trước theo một kế hoạch và mục tiêu lâu dài.

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 122 - 127)