Cải cách thể chế hành chính nhà nước

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 63 - 68)

Để tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế hành chính, hình thành về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, ngày 25-12-2001, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X đã ra Nghị quyết số 51/2001/QH10 Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước về nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, quyền và nghĩa vụ công dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước,

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân... Điều đó đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trên cơ sở đó, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến hết tháng 4-2005, Chính phủ đã trình Quốc hội 49 dự án luật. Đặc biệt là các văn bản pháp luật về kinh tế thị trường, về tổ chức bộ máy hành chính, về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân.

Để tiếp tục đổi mới và từng bước hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước, bước vào thời kỳ mới, thực hiện chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng rất quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng “đi sâu cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, đẩy mạnh việc phân cấp quản lý để nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; xóa bỏ bao cấp” [14, tr.205]; đồng thời nhấn mạnh: “Đổi mới thể chế và thủ tục hành chính, tập trung trước hết vào xóa bỏ những quy định mang nặng tính hành chính quan liêu, bao cấp, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp và nhân dân, kìm hãm sự phát triển lực lượng sản xuất” [11, tr.216]. Chủ trương đó được Chính phủ cụ thể hóa trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế, trước hết tập trung vào xây dựng thể chế kinh tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước; đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng thể chế về quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân; về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, ngày 4-9- 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg về

Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Chủ trương đúng đắn đã đem lại những kết quả quan trọng: các thủ tục về hồ sơ, giấy tờ, thời gian, lệ phí… được công khai hóa, giảm tối đa thời gian, công sức, tiền bạc và phiền hà cho nhân dân và tổ chức, góp phần chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền và góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hành chính và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức; tạo ra bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân và tổ chức; đổi mới cách thức, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Qua đó, tác động đến việc điều chỉnh tổ chức, bộ máy, cải tiến chế độ làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước và hiện đại hóa một bước công sở. Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện cơ chế này chưa tốt, mang tính hình thức, chưa công khai rõ cho dân biết về các thủ tục hành chính. Việc bố trí cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” chưa hợp lý, chưa chuyên môn hóa, còn kiêm nhiệm. Chưa đầu tư đầy đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị và chế độ thỏa đáng đối với cán bộ, công chức trực tiếp làm việc ở bộ phận “một cửa”. Ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, hiệu quả giải quyết công việc chưa cao.

Để xây dựng và hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính về phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo hướng: “Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng” [11, tr.134], Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28-3- 2002 Về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị yêu cầu thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có liên quan rộng đến đời sống nhân dân ở cơ sở và trước khi phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng như trong công tác cán bộ. Triển khai

thực hiện sự chỉ đạo của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ngày 7-7-2003, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 79/2003/NĐ-CP Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Trong đó nhấn mạnh tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã và những người đứng đầu trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy định rõ trách nhiệm công dân trong việc chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường tính dân chủ hóa, công khai hóa, mở rộng hơn mức độ tham gia của nhân dân trong quản lý nhà nước, xây dựng và bảo vệ chính quyền. Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo thực hiện tốt quy chế nên đã xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Song, việc lãnh đạo, chỉ đạo cải cách thể chế trong những năm qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số thể chế cơ bản còn chậm được xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện như các thể chế quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, thẩm quyền của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp nhà nước trong quản lý tài sản nhà nước, thể chế về đất đai, nhà ở, hộ khẩu, v.v.. Hệ thống văn bản được ban hành còn thiếu, đồng bộ do thiếu dự báo khoa học mang tính chiến lược về nhu cầu xây dựng thể chế trong thời kỳ mới. Số lượng văn bản được ban hành tuy nhiều, nhưng chất lượng nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện nhất quán và thấu suốt tinh thần cải cách hành chính. Tình trạng có luật quy định chung chung, thiếu tính khả thi, tình trạng thiếu nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành còn phổ biến.

Thực hiện chủ trương của Đảng về việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định trong thủ tục hành chính mang nặng tính hành chính, quan liêu, bao cấp, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã rà soát, bổ sung, ban hành mới các thủ tục hành chính trên hầu hết các lĩnh vực và bãi bỏ những thủ tục không còn phù hợp theo hướng đơn giản hóa, công khai hóa, thuận tiện cho nhân dân. Theo đó, Chính phủ đã ban hành một số văn bản

như: Nghị định số 101/2001/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan; Quyết định số 32/2001/QĐ-TTg Về việc thực hiện thí điểm cải cách thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo cơ chế “một cửa” tại thị xã Đông Hà, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 55/2002/QĐ-TTg

Về việc thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 178/2002/QĐ-TTg Về việc thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển thuộc khu vực các tỉnh, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng; Quyết định số 197/2003/QĐ-TTg Về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế; Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg Về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; Quyết định số 23/2005/QĐ-TTg Về việc thành lập tổ công tác liên ngành xử lý các vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, v.v..

Với chủ trương đúng đắn đó đã xác lập được trật tự, kỷ cương mới trong quản lý thu phí và lệ phí. Trong đó, đã cải tiến được quy trình thủ tục hành chính trong ngành hải quan, bỏ nhiều khâu trung gian theo hướng tổ chức dây chuyền thủ tục hải quan hoàn chỉnh, một cửa, giảm đáng kể thời gian thông quan. Công tác kiểm tra thực tế hàng hóa xuất, nhập khẩu được chuyển sang áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, kiểm tra có trọng điểm, kiểm tra sau thông quan, thí điểm thông quan điện tử. Nổi bật là cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế, đã triển khai thí điểm thực hiện cơ chế mới có tính cải cách đột phá là doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế, cải tiến thủ tục trong cấp mã số thuế, nhờ đó đã rút ngắn thời gian doanh nghiệp phải chờ đợi. Song, thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như nhà ở, hộ tịch, hộ khẩu, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng, v.v. nói chung vẫn còn phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đây vẫn còn là vấn đề mà Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm giải quyết.

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo cải cách nền hành chính nhà nước nam 2001 den nam 2010 (Trang 63 - 68)