Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng với yêu cầu mới, nâng cao chất lượng cải cách nền công vụ, tại kỳ họp thứ 4, ngày 13-11-2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật cán bộ, công chức thay thế cho Pháp lệnh cán bộ, công chức. Một số nội dung nổi bật của luật như: quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, điều hành hoạt động công vụ; nguyên tắc đánh giá cán bộ, công chức dựa trên cơ sở phẩm chất, năng lực thực tài; cơ chế phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; về cải cách chế độ công vụ, công chức; hoàn thiện chế độ công vụ và quản lý cán bộ, công chức; thu hẹp phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, không áp dụng đối với đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp; kết hợp nguyên tắc tập trung dân chủ với đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính; đổi mới về phương thức, cơ chế quản lý cán bộ, công chức; tăng cường phân cấp quản lý cán bộ, công chức; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật hành chính; phân biệt rõ ai là cán bộ, ai là công chức; phân định rõ các nguyên tắc trong hoạt động công vụ, nguyên tắc kết hợp tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế, v.v..
Nhằm nâng cao kỹ năng hành chính, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ, đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng sát thực tế, ngày 15-2-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2006/QĐ- TTg, Về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010. Theo quyết định này, nội dung đào tạo được quy định rõ cho từng đối tượng cán bộ, công chức ở từng cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở, với nội dung toàn diện về trình độ chính trị, kỹ thuật hành chính, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ… Quyết định đã chỉ rõ ba đối tượng thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng là: công chức hành chính đang làm việc trong các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; nêu rõ mục tiêu đào tạo đối với từng loại đối tượng: công chức hành chính được trang bị kỹ
năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ; công chức lãnh đạo cấp vụ, sở, cấp huyện được trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phối hợp xử lý các vấn đề liên ngành; công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 6-2-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở, nhất là cán bộ, công chức, phường, thị trấn, người dân tộc thiểu số ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tăng cường trang bị, bổ sung những kiến thức cần thiết cho đối tượng cán bộ chủ chốt cơ sở về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng quản lý hành chính. Tiếp đó, để tạo nguồn quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở người dân tộc thiểu số, ngày 8-2-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2006/QĐ- TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các chức danh chủ chốt xã đương nhiệm và trong quy hoạch; các cán bộ, công chức nữ; cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức dưới 45 tuổi trong quy hoạch cho các chức danh chủ chốt xã và các dân tộc thiểu số chưa có người làm cán bộ, công chức. Nhấn mạnh đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực điều hành, quản lý công việc cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh, địa phương, các vùng khác nhau. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học. Việc đào tạo, bồi dưỡng được căn cứ vào các tiêu chí: vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan đơn vị. Nhờ đó, đã xây dựng và từng bước chuẩn hóa nội dung, chương trình, phương thức đào tạo quản lý nhà nước cho phù hợp với từng đối tượng: chuyên viên cao cấp,
chuyên viên chính, chuyên viên; đào tạo tiền công vụ, bồi dưỡng cán bộ hành chính địa phương, cơ sở. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010. Từng bước rà soát, đánh giá hệ thống các tiêu chuẩn chức danh công chức hiện có để điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời ban hành mới một số chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn những bất cập, hạn chế cần khắc phục về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, v.v.. Đảng và Nhà nước rất coi trọng công tác luân chuyển cán bộ, công chức, nhất là tăng cường cán bộ, công chức cho địa phương, cơ sở, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo và quản lý nhà nước cho bộ máy hành chính nhà nước ở cơ sở, đồng thời bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Ngày 15-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg Về việc tăng cường có thời hạn đối với cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định quy định rõ nhiệm vụ của cán bộ, công chức được luân chuyển, tăng cường, đó là: phát triển sản xuất xóa đói, giảm nghèo; phát triển văn hóa, xã hội; trách nhiệm cải cách hành chính; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm; củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Quyết định quy định những cán bộ, công chức luân chuyển, tăng cường phải nắm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nắm chắc tính chất, đặc điểm, phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương; có năng lực giải quyết công việc về công tác tôn giáo, dân tộc. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có cơ hội phát triển; đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả làm việc.
Để tạo khung pháp lý cho cải cách công vụ, đảm bảo tính đồng bộ về mặt thể chế, ngày 15-11-2010, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật viên chức, tạo ra tính đồng bộ, thống nhất với quy trình đổi
mới cơ chế, quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho việc quản lý, sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác đãi ngộ cán bộ, công chức được quan tâm, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2006/NĐ-CP, ngày 7-9-2006. Theo đó, từ ngày 1-10- 2006, mức lương tối thiểu chung đã được điều chỉnh từ 350.000 đồng lên 450.000 đồng/tháng theo quy định, giúp cho đời sống của cán bộ, công chức được cải thiện. Tiếp đó, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được ban hành. Nhờ đó, chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức cơ sở được điều chỉnh, cải thiện, chuẩn hóa hệ thống thang, bảng lương. Chính phủ tiếp tục điều chỉnh tăng lương tối thiểu chung của cán bộ, công chức lên 650.000 đồng/tháng (1-2009), lên 730.000 đồng/tháng (5- 2010), lên 830.000 đồng/tháng (5-2011). Công tác đánh giá, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ cán bộ, công chức được chú trọng. Ngày 8-2-2010, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 286-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức. Trong đó, quy định rõ chủ thể tham gia đánh giá, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của các cấp có thẩm quyền; về mục tiêu, yêu cầu, căn cứ, nội dung, thời hạn, quy trình đánh giá. Về đối tượng được đánh giá là cán bộ, công chức, kể cả cán bộ, công chức hoạt động trong lực lượng vũ trang. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức có hiệu quả.
Về công tác tuyển dụng công chức, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2007/NĐ-CP, ngày 15-1-2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2003/NĐ-CP, ngày 10-10-2003, về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Ngày 8-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức; đã
chỉ rõ những nguyên tắc quản lý biên chế công chức, căn cứ xác định và nội dung quản lý biên chế. Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, ngày 15-3-2010, Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, quy định rõ hơn về các đối tượng và điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, các đối tượng ưu tiên trong thi và xét tuyển; kiện toàn hội đồng tuyển dụng, hội đồng thi nâng ngạch; nêu rõ việc tuyển dụng công chức trên cơ sở kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển theo tinh thần đẩy mạnh cải cách nền công vụ. Việc triển khai thực hiện các văn bản pháp quy đã đổi mới căn bản trong tuyển dụng công chức hành chính là chỉ xét tuyển công chức ở những vùng khó khăn và tiếp nhận những trường hợp đặc biệt như tốt nghiệp đại học, sau đại học, thủ khoa trong nước, loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, người có nhiều kinh nghiệm công tác. Ngoài các đối tượng đó ra, bắt buộc đều phải qua thi tuyển công chức. Đối với viên chức sự nghiệp được áp dụng cả hai hình thức là thi tuyển hoặc xét tuyển; tạo điều kiện cho việc thống nhất đồng bộ giữa công tác quản lý biên chế công chức với đánh giá, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức phát triển toàn diện. Các nghị định trên của Chính phủ tạo cơ sở pháp lý để áp dụng hình thức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm, thông qua nguyên tắc kết hợp tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế, bảo đảm tính khoa học, khách quan, công bằng trong tuyển dụng công chức; quy định việc tuyển dụng công chức trong những trường hợp đặc biệt; xét tuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; tổ chức thi nâng ngạch công chức theo nguyên tắc cạnh tranh.
Việc nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước, cùng với một nền công vụ hiện đại được coi trọng, ngày 27-10-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2007/NĐ-CP Về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ công vụ. Trong đó xác định rõ, người đứng đầu, kể cả cấp phó của người đứng đầu các tổ chức cấu thành cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước phải thực
hiện chế độ trách nhiệm trong quá trình đề xuất, tham mưu, trình và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến chế độ trách nhiệm quy định tại nghị định. Nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm như trách nhiệm kỷ luật, vật chất, trách nhiệm dân sự, hình sự…
Tóm lại, để thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách chế độ công vụ và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng nâng cao chất lượng cả về năng lực và phẩm chất đạo đức, Chính phủ đã xác định những ưu tiên cơ bản về xây dựng nền công vụ và đội ngũ cán bộ, công chức trong
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn II (2006 - 2010). Nội dung nổi bật là: rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức hành chính để cơ cấu lại, bố trí theo từng vị trí, rõ chức trách; xây dựng và đưa vào thực hiện phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của cán bộ, công chức; cải cách căn bản việc xây dựng và đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện mới; cải cách chính sách tiền lương, các chế độ đối với cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng và áp dụng chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ ở các cấp, kể cả chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút người tài vào làm việc trong khu vực công, tạo động lực cho cán bộ, công chức làm việc có hiệu quả. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức đã được nâng cao về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thự thi công vụ trong điều kiện mới.