Những hậu quả về mặt tinh thần

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI GIÁO DỤC CON CÁI TRONG CÁC GIA ĐÌNH NÔNG THÔN HIỆN NAY (Trang 55 - 59)

IV. Hậu quả để lại của những biện pháp giáo dục thiếu khoa học, những

2. Những hậu quả về mặt tinh thần

Chúng ta biết rằng nguyên nhân dẫn đến việc cha mẹ phải sử dụng bạo lực khi giáo dục con cái là do xuất phát từ những xung đột giữa bố mẹ và con cái. Mà phần lớn là do cha mẹ chưa hiểu được tâm sinh lý của con mình trong giai đoạn này. Điều này khiến các em có cảm giác lo sợ, thiếu tự tin khi phải đối mặt với bố mẹ mình. Khi bị tổn thương về mặt thể xác thì tâm lý của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên trong số những trường hợp ấy sẽ có những đứa trẻ quên đi nhanh chóng, nhưng có nhiều đứa trẻ đó lại là những vết hằn tâm lý khó quên hoặc không bao giờ quên ở tuổi niên thiếu. Ông bà thường nói “trẻ cậy cha già cậy con”. Điều này có nghĩa rằng con cái là của để dành, là bảo bối của cha mẹ. Nhưng lúc trẻ cha mẹ giáo dục quá thiên về biện pháp giáo dục mang tính chất bạo lực thì giá trị của những bảo bối ấy sẽ giảm đi rất nhiều do đã bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Khi các em lớn lên và trở thành những bậc làm cha làm mẹ thì có nhiều em sẽ áp dụng phương pháp giáo dục ấy đối với con cái của mình, vì các yếu tố sinh học có sự di truyền từ đời này qua đời khác. Trong gia đình cha mẹ thường là những tấm gương để con cái noi theo, nhưng khi giáo dục cha mẹ quá lạm dụng các biện pháp mang tính bạo lực thì hình ảnh của tấm gương sáng trong tâm trí của các em sẽ không còn được nguyên vẹn nữa. Các em sẽ mãi mãi “ấn tượng” về những hành vi ấy của cha mẹ. Ấn tượng ấy là nỗi sợ hãi, là cảm giác lo lắng, không có chỗ dựa, thiếu tin tưởng và mất hình tượng về các bậc làm cha làm mẹ, nhất là trong giai đoạn có những biến đổi quan trọng như ở lứa tuổi 11 đến 15. Khi chúng tôi khảo sát trong số 30 mẫu nghiên cứu là trẻ em thì kết quả thu được có tới 85% trong số ấy trả lời là rất sợ khi bị cha mẹ sử dụng hình phạt. 10% cảm thấy bình thường,còn 5% cho là không có gì phải sợ.Tỷ lệ này được thể hiện rõ qua biểu đồ dưới đây:

Biểu đồ thể hiện mức độ sợ hãi khi bị cha mẹ giáo dục bằng biện pháp bạo lực

Chúng ta cũng biết mục đích của cha mẹ khi sử dụng các biện pháp giáo dục mang tích bạo lực là mong muốn con cái nghe theo lời dạy dỗ của họ. Và biểu hiện của sự sợ hãi cũng chính là biểu hiện của thái độ nghe lời cha mẹ của các em.Nhưng theo khảo sát ta lại thấy tỷ lệ các em sợ hãi chiếm tới 85%. Như vậy có thể nói đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bậc làm cha làm mẹ tăng cường các hành vi giáo dục con cái bằng bạo lực. Cha mẹ thấy các biện pháp giáo dục của mình có hiệu quả tức thời nên đã có ý định duy trì và phát huy phương pháp ấy. Chính vì những hành vi như vậy mà các bậc làm cha làm mẹ đã vô tình kéo xa khoảng cách giữa mình và con cái. Ở lứa tuổi từ 11 đến 15 đang có những biến đổi quan trọng, các em đang có nhiều băn khoăn, thắc mắc, lo lắng về những thay đổi về sinh lý của mình. Có thể những lo lắng ấy làm các em thiếu tự tin, không tập trung được vào việc học tập, nhiều khi đạt kết quả không như mong muốn. Và chính những lúc như vậy các em đã làm phật lòng cha mẹ, khi cha mẹ phải sử dụng hành vi bạo lực khi giáo dục. Nhưng người lớn đâu biết rằng lúc này là lúc các em cần có sự đồng cảm, cần được quan tâm, cần được giải quyết những thắc mắc về những thay đổi trên cơ thể mình. Thế mà cha mẹ vô tình lãng quên hoặc

không biết, không quan tâm khiến cho các em luôn có tâm lý bất an, không tin tưởng, không có chỗ dựa. Đồng nghĩa với việc các em không biết tâm tư cùng ai, chia sẻ cùng ai, các em có thái độ khép mình, thiếu tự tin khi giao tiếp và luôn có xu hướng đề phòng với những người xung quanh.

Như vậy qua khảo sát và nghiên cứu thực tế ta thấy hậu quả để lại của các biện pháp giáo dục con cái mang tính chất lực là rất lớn cả về thể xác và tinh thần.Rõ ràng hậu quả để lại là rất nghiêm trọng, nó ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của các em, đến quá trình xã hội hóa, mặt khác còn tác động đến nhận thức hành vi, hơn thế nữa nó còn ảnh hưởng đến tính cách, nhân cách sau này của các em. Ảnh hưởng của các biện pháp giáo dục ấy không chỉ diễn ra ngày một ngày hai là kết thúc, mà nó kéo dài và duy trì trong suốt quá trình lớn lên, quá trình xã hội hóa của các em.

Thông qua các nội dung đã nghiên cứu, mà cụ thể là thông qua thực trạng của phương pháp giáo dục con cái tại địa bàn nghiên cứu, qua các hình thức giáo dục, các yếu tố tác động cũng như hậu quả để lại của các biện pháp giáo dục con cái chúng ta thấy rằng:

Mặc dù ở nông thôn, điều kiện kinh tế chưa phát triển, trình độ của các bậc làm cha làm mẹ còn nhiều hạn chế. Nhưng thông qua kết quả mà người nghiên cứu thu thập được từ mẫu nghiên cứu, người nghiên cứu thấy rằng phần lớn các bậc cha mẹ thuộc diện điều tra đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con cái mình trên các lĩnh vực sau: Giáo dục đạo đức, giá trị truyền thống; giáo dục tri thức, kinh nghiệm sống; giáo dục và định hướng nghề nghiệp; giáo dục và định hướng hôn nhân. Đây cũng chính là các nội dung giáo dục mà chức năng giáo dục của gia đình cần phải thực hiện, hầu hết các bậc cha mẹ ở nông thôn đều nhận thức được là với các nội dung giáo dục ấy thì họ cần phải giáo dục những gì cho con em mình. Song không phải tất cả họ đều nhận thức được như nhau, do trình độ của mỗi người một khác nên những gì mà họ biết về các nội dung giáo dục cũng không hoàn toàn như

nhau.

Cũng tương tự như vậy thì phương pháp giáo dục của họ với con cái mình cũng khác nhau, qua tìm hiểu nghiên cứu chúng ta nhận thấy các phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ là khá đa dạng: Có những phương pháp được thực hiện khá khoa học, đúng đắn, bên cạnh đó lại có những gia đình quá nuông chiều con cái; đáng chú ý hơn là tỷ lệ các bậc cha mẹ sử dụng các biện pháp mang tính chất bạo lực để giáo dục con cái mình là khá nhiều. Những biện pháp như vậy thường được các bậc cha mẹ sử dụng khi con cái họ mắc lỗi.

Nhiều bậc cha mẹ không nhận thấy những biến đổi về tâm sinh lý của con mình trong giai đoạn từ 11 đến 15 tuổi, nên họ cứ ngang nhiên sử dụng bạo lực với con mình khi chúng mắc lỗi. Khi sử dụng bạo lực để giáo dục các con thì hình thức mà họ sử dụng cũng khác nhau: nào là chử mắng, nào là răn đe, chì chiết đe dọa, cấm không cho ra khỏi nhà, đánh đòn, bạt tai… Những hành động như vậy chịu tác động của nhiều yếu tố như: nghề nghiệp của cha mẹ, tuổi tác, trình độ học vấn, giới tính, điều kiện kinh tế gia đình và các yếu tố tác động khác nữa… Cho dù họ là ai, những yếu tố nào tác động tới các hành vi sử dụng bạo lực của cha mẹ trong giáo dục con cái thì cũng không tránh được những hậu quả nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần như đã phân tích ở trên.

Vậy trước một thực trạng khá phức tạp về các phương pháp giáo dục con cái trong các gia đình nông thôn nói chung và các gia đình trên địa bàn nghiên cứu nói riêng, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào. Những giải pháp ấy đã đưa ra và được thực hiện như thế nào, chúng ta sẽ đi nghiên cứu tiếp.

Một phần của tài liệu CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI GIÁO DỤC CON CÁI TRONG CÁC GIA ĐÌNH NÔNG THÔN HIỆN NAY (Trang 55 - 59)